PHÁP HOA KINH
CƯƠNG YẾU
Lời Nói Ðầu
Kinh PHÁP-HOA là một bộ kinh lớn mà từ xưa đến nay,
sau khi đức Phật diệt-độ, được lưu thông nhứt và được nhiều người tụng-trì nhứt trong các bộ kinh lớn; phải chăng do kinh này hiệp cơ-duyên với chúng-sanh đời ngũ-trược, hay là nhờ oai thần ủng-hộ truyền-trì của quí ngài Phổ-Hiền, Dược-Vương cùng vô-lượng hằng-sa Bồ-tát; hay cũng vì tất cả quần-sanh đều sẵn đủ tự-tâm Phật-tri-kiến.
Cổ-Ðức đua nhau giải thích kinh này rất nhiều, nào Huyền-Nghĩa, Văn-Cú, nào Thông-Nghĩa, Cú-Giải v.v...
Bộ thời hiển lý bộ thời giải văn,
làm cho kinh Pháp-Hoa đã chói sáng càng thêm chói sáng, làm cho tiếng
Pháp-Hoa đã vang dội càng thêm vang-dội. Người tụng được lợi, người trì được nghiệm, hoặc hiện tiền thâm nhập tam-muội, hay lai thế siêu thăng thánh địa, hoặc tiêu tai, hoặc giải nạn v.v... đó là diệu-lực bất-tư-nghì của kinh, mà cũng là công cổ-võ của Cổ-Ðức.
Tụng-trì kinh Pháp-Hoa có hai môn: 1- SỰ TụNG-TRÌ;
2- LÝ TụNG-TRÌ.
Nếu chỉ một mặt về sự tụng-trì, nghĩa là chỉ biết đọc tụng kinh văn, hoặc mặt chữ hoặc thuộc lòng, thời dầu phước đức vô-lượng, nhưng đối với người kiêm cả sự lý tụng-trì, nghĩa là chẳng những chuyên đọc tụng kinh văn mà cũng rõ thấu chỉ thú của kinh, thời nghìn muôn phần không kịp một, bởi vì Phật tri-kiến mà được khai-thị, được ngộ-nhập là ở nơi lý tụng-trì vậy, do đây nên người tụng-trì muốn công-đức viên-mãn phải nghiên tâm chỉ-thú của kinh.
Trọn bộ kinh -PHÁP-HOA- bảy quyển, hai mươi tám phẩm trên sáu vạn lời, nghĩa lý đã sâu, văn tự lại quá rộng. Nghĩa lý đã sâu thời khó hội khó lãnh, văn tự rộng tất khó tóm phăng. Tóm phăng đã không được tất không
thể nắm lấy cương-lãnh của toàn kinh. Ðã không được cương-lãnh thời có thể nào lãnh hội lý thú, lại thêm trong kinh 'PHÁP-HOA' này lý-thú rất sâu, rất nhiệm. Ðọc tụng kinh
'PHÁP-HOA' mà không lãnh được lý-thú, thời huệ-giải không do đâu phát sanh, đại-thiện công-đức không từ đâu thành tựu, chỉ được phần phước lành hữu lậu cùng là viễn-nhơn Phật-chủng mà thôi.
Tôi từ lâu thường trì-tụng 'PHÁP-HOA' mãi gian lao vì văn rộng nghĩa
sâu, đối với kinh vẫn chưa có chút phần gì đáng gọi là lãnh-hội. Tự mình đã vậy, tất lại có nhiều người cũng thế, hoặc hiện tại, hoặc tương lai. Nghĩ mình, lo người, nhơn đó mới sưu đông tầm tây, phóng theo các bổn chú-sở của Cổ-Ðức, gắng gỗ chép quyển Cương-Yếu này lược chỉ cương-lãnh của kinh-văn, tóm bài yếu-chỉ của phẩm-mục. Ngõ hầu nhơn đây làm trợ-duyên, người trì-tụng 'PHÁP-HOA' tự phát trí-huệ lãnh-hội lý mầu đạt Phật-tri-kiến, thành-tựu đại-thiện công-đức.
Trong bộ Cương-Yếu này về phần phán thuộc phẩm-mục cùng lược giải yếu chỉ là nương theo của ngài Hải-Ấn Ðại-Sư, đem toàn kinh này phân hiệp bốn phần KHAI, THị, NGộ, NHẬP PHẬT-TRI-KIẾN.
Như đoạn trên đã nói quyển Cương-Yếu này lược chỉ cương-lãnh của kinh-văn, tóm bày yếu-chỉ của phẩm-mục, thời đủ biết nội-dung đại-thể của quyển này rồi.
Trong kinh nói: 'Kinh Tạng'
'PHÁP-HOA' này rất sâu xa thầm kín: Lại nói: 'Trí-huệ của chư Phật, rất sâu vô-lượng môn trí-huệ đó khó hiểu khó-vào'. Rất sâu thầm kín, đó là yếu-chỉ của kinh này rất sâu xa, phần nhiều ở ngoài lời nói, chẳng phải chỉ dùng tai mắt mà có thể rõ biết được. Người tụng-trì muốn thâm nhập lý kinh cần phải lóng thân lặng lòng quan sát kinh văn rỗng thấu thâm ý của đức Phật. Quyển 'Cương-Yếu' này là một tài-liệu giúp vào công việc đây vậy.
Trông mong người đọc, lãnh ý
quên lời, nếu có sơ sót nhờ các bậc cao minh bổ đính.
Viết tại LIÊN HẢI PHẬT HỌC ÐƯỜNG
Phật lịch 2492
(1948)
Ngày
an-cư Năm Mău-Tý
HÂN TỊNH TỲ
KHEO
THÍCH
TRÍ TỊNH
CHƯƠNG THỨ NHỨT
TỔNG TỰ
Ba mươi tuổi thành-đạo, tám mươi tuổi nhập Niết-Bàn, ngót năm mươi năm, đức Phật trải qua hơn ba trăm hội, từ hội thứ nhất nơi Bồ-đề đạo-tràng, đến hội rốt sau nơi rừng Ta-La, thuận theo cơ sai khác của chúng-sanh mà nói pháp giáo-hóa, tất cả đều chỉ mục-đích
lợi-sanh,
một mục đích
tối
cao-thượng. Còn gì cao-thượng bằng khắn khín một lòng cố làm sao cho tất cả chúng đều được dứt hẳn sanh tử khổ, thành tựu quả-vị viên-mãn-giác hoàn toàn giải-thoát
an vui như đức Phật đã được.
Trong kinh đức Phật tự nói:-
'Ta hằng nghĩ thế này: làm sao cho chúng-sanh đặng vào
huệ vô-thượng, mau thành-tựu Phật thân'. Ðức Phật lại nói:- 'Ta trước lập thệ rằng: muốn cho tất cả chúng đồng như ta không khác'. Lại nói:- 'Bổn-nguyện của các Phật, khắp muốn cho chúng-sanh cũng đồng đặng Phật-đạo, như của Phật tu-hành'.
Cao quý thay! Tôn trọng thay!
Nếu không
phải một đấng đã cứu-cánh lòng đại từ-bi, đại bình-đẳng, tất không thể có bổn-nguyện cao-thượng ấy.
Vì bổn-nguyện Vô-thượng bình-đẳng, sau khi chứng quả đại-bồ-đề, đức Phật liền diễn nói kinh Hoa-Nghiêm phô bầy pháp-giới duyên-khởi viên-dung quả-hải, đó là thiệt-giáo (Phật thừa chơn thật). Trong hội Hoa-Nghiêm, vô-lượng chúng, hạn căn tánh viên thừa, siêu nhập Phật-huệ, ngoài ra hạng người căn-tánh chậm lụt hẹp nhỏ, chướng sâu, nghiệp nặng, khó lòng đảm nhận được giáo-lý tối-thâm tối-thượng, đến như các hàng tiểu-thánh đại-đức Thanh-văn, chính thân dự đại-hội mà còn như đui như điếc, huống nữa là phàm-phu.
Muốn độ hạng người này, đức Phật phải hạ thấp mình chìu theo chúng chỉ dạy lần lần, nào nói pháp tứ-đế, nào nói pháp nhơn-duyên, hoặc tướng, hoặc tánh, lúc ức, lúc dương, khi hiển có, lúc hiển không, song khiển v.v... dắt dìu chúng từ thấp lần lên cao, từ cạn lần vào sâu đó là quyền-giáo (tam thừa phương-tiện).
Trong kinh đức Phật nói:-
'Nếu ta gặp chúng-sanh, đều đem Phật-đạo dạy, kẻ vô-trí rối-lầm, mê tối không lãnh thọ'. Lại nói:- 'Ta biết các chúng-sanh, chưa từng tu cội lành, ham miết theo ngũ dục ... Chấp chặc pháp hư-vọng, bền giữ không bỏ được, ngả mạn tự khoe cao, dua dối tâm không thiệt ... Người như thế khó độ, cho nên, Xá-Lợi-Phất! ta bày chước phương-tiện nói đạo pháp dứt khổ, chỉ cho kia Niết-bàn, ta dầu nói Niết-bàn, cũng chẳng phải thiệt-diệt ... Ta có sức phương-tiện chỉ bày pháp tam-thừa ...'
Trong các đoạn kinh
văn dẫn trên đây, trước nói duyên do ẩn thiệt, kế bày căn-tánh chúng-sanh, cuối sau
chỉ đầu mối có quyền thừa. Xem đây thấy rõ quyền-giáo không phải chính bổn-ý của đức Phật, mà là những phương-tiện bất đắc dĩ phải tạm dùng để dụ dẫn chúng-sanh thôi. Quyền-giáo là gì ? Là những giáo-lý ngoài việc chỉ thẳng đến Phật-huệ, ngay về Phật-tri-kiến, chứng vào cảnh-giới cứu-cánh Phật-quả, mà đức Phật chìu theo căn-tánh chúng-sanh tạm thời dùng
để dìu-dắt uốn nắn. Dìu
dắt hạng
căn-tánh thấp hèn lần lên bậc cao thắng, uốn nắn cơ quyền-thừa trở thành pháp-khí viên-thiệt. Vì thế nên sau hội Hoa-Nghiêm, từ vườn Lộc nói pháp tứ-đế độ bọn ông Kiều-Trần-Như nhẫn lại, trên bốn mươi năm, là thời kỳ uốn nắn dắt dìu của đức Phật.
Như trên đã nói bổn-nguyện của đức Phật chỉ một mục đích duy nhất là muốn cho tất cả chúng đều được như Phật, đều đồng với Phật. Chúng-sanh được đồng với Phật tức là đồng một trí-huệ cứu-cánh hoàn-toàn của Phật. Muốn chúng-sanh đủ trí-huệ đó thời phải dạy ngay con đường chơn thật cho chúng-sanh vào, đức Phật đã sẵn sàng, chỉ còn chờ chúng-sanh có đủ tư-cách, đủ năng-lực đi vào con đường ấy.
Nhờ trải qua một thời-gian dài dắt-dìu uốn-nắn, một số lớn trong chúng hiện-tại, dưới sự dạy dỗ của đức Phật, đã có đủ tư-cách cùng năng lực đi vào con đường chơn thật, kham lãnh giáo-pháp thẳng đến trí-huệ cứu-cánh, đức Phật liền nói kinh Pháp-Hoa.
Trong kinh đức Phật nói:
- ' Các đức Phật Thế-Tôn chỉ vì một đại sự nhơn-duyên mà hiện ra trong đời. Xá-Lợi-Phất! Thế nào gọi là các đức Phật Thế-Tôn hiện ra trong đời chỉ vì một đại sự nhân-duyên ư ?
Các đức Phật Thế-Tôn vì muốn cho chúng-sanh khai-hiển Phật-tri-kiến để được thanh-tịnh mà hiện ra trong đời. Vì muốn chỉ thị Phật-tri-kiến cho chúng-sanh mà hiện ra trong đời. Vì muốn làm cho chúng-sanh tỏ ngộ Phật-tri-kiến mà hiện ra trong đời. Vì muốn làm cho chúng-sanh chứng nhập Phật-tri-kiến mà hiện ra trong đời. Xá-Lợi-Phất! Ðó là các đức Phật Thế-Tôn vì một đại sự nhơn-duyên mà hiện ra trong đời vậy'.
Xem lời đức Phật dạy, thời rõ ràng tất cả các đức Phật Thế-Tôn ra đời chỉ vì muốn cho chúng-sanh khai thị ngộ nhập Phật-tri-kiến. Chúng-sanh được khai-thị ngộ nhập Phật-tri-kiến, lòng của đức Phật mới hả, nguyện của đức Phật mới hoàn-toàn đại sự nhơn-duyên ra đời của đức Phật mới xong. Lòng hả, nguyện hoàn toàn, duyên xong, chính là hoàn xong khi mãn hội
Pháp-Hoa vậy. Nhơn đây cũng có thể dự rõ được một vài phần đại-ý nội dung của kinh Pháp-Hoa, tức là không ngoài ý thú:
Khai bầy Phật-tri-kiến.
Chỉ thị Phật-tri-kiến.
Tỏ ngộ Phật-tri-kiến.
Chứng nhập Phật-tri-kiến.
Chỉ có nhứt-chơn Phật-thừa không hai cũng không ba.
CHƯƠNG THỨ HAI
ÐỀ KINH
Phàm đầu đề của kinh tức là cương-lãnh của toàn bộ, như giềng lưới, như bâu áo, nắm cương lãnh mà phăng, thời chi tiết lần lần tuần-tự theo về.
Ta quen gọi 'Pháp-Hoa' đó là gọi tắt của bốn chữ 'Diệu-Pháp-Liên-Hoa'. Diệu-Pháp thuộc về pháp, Liên-Hoa là dụ dùng 'dụ' để hiển 'Pháp'.
Diệu-Pháp là gì ? Chính là Phật-tri-kiến đã nói ở đoạn trên vậy. Phật-tri-kiến chính là bổn-giác diệu-tâm. Tâm vi-diệu linh-giác này là bổn-tánh chơn-thường bình-đẳng của tất cả Thánh, phàm, của cả pháp-giới, Phật cùng chúng-sanh bổn lai vẫn đồng một tâm-thể vẫn không hai tánh. Thể tánh dầu đồng, nhưng mê thể-tánh đó là chúng-sanh, còn ngộ thể-tánh
đó là Phật. Ngộ thời thuận tánh, thuận tánh thời hưởng dụng thường-lạc, ngã, tịnh bốn đức chơn thường an vui, vì tánh là thể chơn-thật viên-thường vậy. Mê thời xa tánh theo trần, theo trần thời sanh-tử luân-hồi đảo-điên khổ-sở, vì trần-lao là cảnh hư-vọng vô-thường vậy.
Vì lòng đại-bi thương xót quần-sanh, đức Phật ra đời dùng đủ cách phương-tiện để điêu-luyện ngự phục tâm mê-vọng của quần-sanh, để đưa chúng-sanh đến trí-huệ cứu-cánh của đức Phật, đó là mục-đích duy-nhứt của đức Phật ra đời.
Trong kinh đức Phật nói:
- 'Ta lập phương-tiện đó khiến đặng vào Phật huệ'.- 'Sở dĩ Phật ra đời vì nói huệ vậy, nay chính đã phải thời'.
Ðức Phật lại nói:- 'Chưa từng nói các ông sẽ đặng thành Phật-đạo, sở dĩ chưa từng nói vì chưa phải lúc nói, nay chính đã phải lúc quyết định nói đại-thừa'.
Phải lúc, phải thời, tức là thời kỳ nói kinh Pháp-Hoa. Ðại-thừa đây tức là Phật-huệ, là Phật-tri-kiến, là tâm thể của tất cả chúng-sanh, là chơn-tánh của Pháp-giới, cũng gọi là diệu-pháp. Vì diệu-pháp này là tự tâm sẵn đủ của chúng-sanh, nên đức Phật nói kinh này để làm cho chúng-sanh được khai-thị ngộ-nhập tự tâm ấy mà đổi phàm thành Thánh, như trong kinh đức Phật nói: 'Nếu có người nào nghe 'Pháp', không một ai chẳng thành Phật'. Pháp nghĩa là dường ấy há lại không phải 'Diệu' ư!
Bực đại-căn nghe 'Diệu-pháp' liền ngộ tự-tâm, liễu giải 'tự-tánh pháp-hoa tam muội'. Những hàng trung hạ không thể lãnh hội ngay 'Diệu-pháp' nên mượn Liên-Hoa để tỉ-dụ diệu-lý thanh-tịnh, nhơn dụ mà trực nhận bổn-tâm diệu-pháp, chính cũng là ý tam-căn kiêm lợi vậy.
Hoa sen đại khái có hai phần: cánh nhị là hoa thuộc nhơn, gương hột là quả. Có cánh nhị là có gương hột, đó là lý nhơn cùng quả đồng thời, quả không ngoài nhơn, nhơn không ngoài quả, quả tức là nhơn, nhơn tức là quả, nên gọi Liên-Hoa, Tự-tánh bổn-tâm cũng thế, trong khi tu nhơn vẫn tự viên-mãn cụ-túc, nên gọi là giác-tâm bổn-cụ. Như thế thời tất cả chúng-sanh hiện tiền đã tự đủ tự-tánh quả-giác như Phật không khác, nhưng ngặt vì mê bỏ không tự nhận, nên không tự thọ dụng được, vì đó mà đức Phật phải ra đời - Kinh nói -: 'Vì muốn cho chúng-sanh khai Phật-tri-kiến để được thanh-tịnh nên Phật Thế-Tôn hiện ra nơi đời'. Phật-tri-kiến chính là tự-tánh quả-giác sẵn có của chúng-sanh vậy.
Lại hoa để dụ quyền giáo, quả dùng chỉ chơn-thừa có ba nghĩa:
1.- Hàng trung hạ căn-tánh
ám độn không kham lãnh chơn-thừa, nên phải quyền lập tam-thừa để dụ dẫn. Như trong kinh nói:- 'Chúng-sanh căn-tánh độn làm
thế nào đặng-độ. Ta nay đã đắc đạo nên vì nói 'tam-thừa'. Lập tam-thừa chính là phương tiện để đem về nhất-thừa, đó là vì chơn-thừa mà lập quyền-giáo vậy. Trong kinh nói: 'Dầu nói trăm ngàn ức vô-số các pháp-môn, kỳ thật vì nhất-thừa'. Như hoa sen, vì gương hột mà sanh hoa vậy.
2.- Dụ dẫn đã lâu, căn tánh đã thuần, liền chỉ ngay quyền-giáo phương-tiện trước kia đều là nhứt-thừa chơn-thật. Trong kinh nói:- 'Hạnh của quí ngài tu là đạo của Bồ-tát, đều sẽ đặng thành Phật'. Ðó là điểm thị hạnh tu quyền-giáo chính là thành Phật chơn-thừa. Kinh lại nói: 'Các ngài nên biết, đây là con ta'. Gả cùng-tử làm thuê chính thật đích-tử của Phật. Ðó là khai bày quyền-giáo hiển-lộ thật-thừa. Như hoa sen, hoa nở đặng thấy gương hột.
3.- Chúng đã thành đại-căn,
Phật liền phế bỏ danh tự quyền-giáo giả nói trước, chỉ nói thẳng giáo-lý Nhứt-thừa chơn-thật vô-thượng-đạo, để chúng được tự-trụ. Như kinh nói: 'Chính lúc bỏ phương-tiện chỉ nói đạo vô-thượng, khắp mười phương cõi Phật, chỉ có một Phật-thừa, không hai cũng không ba'. Ðó là phế quyền tồn thật. Như hoa-sen,
cánh nhụy rụng sạch chỉ còn gương hột.
Ba nghĩa trên là ước về căn-cơ của chúng
mà thi-thiết quyền và thật, nếu ước nơi giáo-chủ là Phật mà luận, thời hoa dùng lệ đức Phật, thị hiện tích-môn còn quả lệ bổn-môn của đức Phật, tích và bổn đây cũng có ba nghĩa:
1.- Vì bổn-thật mà thi-thiết quyền-tích. Kinh nói: 'Ta lúc nhỏ xuất-gia chứng đặng quả Vô-thượng Chính-đẳng Chính-giác'. Như gì gương hột mà có hoa sen.
2.- Khai bày quyền-tích
hiển-lộ bổn-thật. Kinh nói: 'Thiệt từ khi ta thành Phật đến nay, thọ mạng vô-lượng vô-số kiếp'. Như hoa nở lộ bày gương hột.
3.- Bỏ tích tồn bồn. Kinh nói: 'Vì độ chúng-sanh vậy, hiện có diệt-độ không diệt-độ, thiệt thời chẳng diệt-độ, thường ở tại đây nói pháp'. Như hoa rụng chỉ còn gương hột.
Ðủ các nghĩa như trên, cả pháp lẫn dụ, nên gọi là 'Diệu-Pháp-Liên-Hoa'. Bực lợi căn nghe đề kinh bốn chữ ấy, liền chứng ngộ 'Diệu-lý Pháp-hoa tam-muội', không cần giải-dụ. Hàng độn tánh không thể nghe danh ngộ-lý, cần phải suy dụ để hiểu pháp, từ hoa sen thường mà thể ngộ 'Diệu-lý Pháp-hoa', nên gọi là 'Tam căn kiêm lợi' vậy.
CHƯƠNG THỨ BA
TỔNG PHÁN
PHẨM MỤC
Như ở trong chương tổng-tự đã lược chỉ nội dung của toàn kinh Pháp-Hoa không ngoài lý-thú 'khai-bày, chỉ-thị tỏ-ngộ, chứng nhập Phật-tri-kiến'.
Toàn kinh là 23 phẩm, như thế 28 phẩm liệt bày để cùng hiển-lộ lý-thú 'khai, thị, ngộ, nhập' vậy.
Ngài Hải-Ấn đại-sư y theo ý này mà phán thuộc các
phẩm phẩm 'tự' là tổng hiển sự tướng của pháp-giới; 'phương-tiện, thí-dụ, tín-giải, dược-thảo thọ-ký, hóa-thành, ngũ-bá-đệ-tử, học vô-học nhơn, pháp-sư', cả thảy chín phẩm là khai Phật-tri-kiến, Phẩm 'Ðề-Bà-Ðạt-Ða, tri-phẩm, an-lạc-hạnh, dũng-xuất, thọ-lượng, năm phẩm là ngộ Phật-tri-kiến, cùng sáu phẩm kế 'phân-biệt, tùy-hỉ Pháp-Sư công-đức, Thường-Bất-Kinh, thần-lực, chúc-lụy', là diệu ngộ cùng-cực, hiệp chung lại thời về phần ngộ Phật-tri-kiến có 11 phẩm. Kế đến sáu phẩm 'Dược-Vương, Diệu-Âm, Quán-Âm, Ðà-la-ni, Diệu-Trang-Nghiêm, Phổ-Hiền', là nhập Phật-tri-kiến. Cuối phẩm Phổ-Hiền từ câu: 'Phật thuyết thị kinh thời' đến câu 'tác lễ nhi khứ' là phần lưu thông.
Ðã tổng phán toàn kinh trước sau tuần thứ xâu suốt bốn môn 'khai, thị, ngộ, nhập Phật-tri-kiến', người thọ trì kinh nhơn đây dư rõ bổn-ý của đức Phật vì một đại-sự nhơn-duyên mà hiện ra nơi đời, nhơn đây mà khi trì kinh cảnh-giới nhứt chơn-pháp-giới, hiện-bày trước mặt, nếu người trì kinh chuyên chu tư-duy để quán.
CHƯƠNG THỨ TƯ
ÐẠI Ý MỖI PHẨM
TỰ PHẨM
PHẦN TỔNG HIỂN
Trong phẩm này tổng hiển nhứt-chơn bình-đằng pháp-giới, nhứt-chơn pháp-giới chính là bổn-giác diệu-tâm bình-đẳng của Thánh-phàm, của tất cả. Tổng hiển nhứt-chơn pháp-giới để chỉ rõ đức Phật hiện ra nơi đời từ trước đến sau vẫn không ngoài 'Phổ quang-minh trí sát-na-tế tam-muội'. Trước chính là hội Hoa-Nghiêm nơi Bồ-Ðề đạo-tràng, sau là hội Pháp-Hoa nơi Linh-Thứu sơn này. Trước sau đức Phật vẫn trụ tam-muội đó mà chuyển pháp độ sanh. 'Phổ-quang-minh-trí' tức là 'Phật-tri-kiến' vậy. Chẳng những đức Phật tự trụ mà cũng muốn cho chúng-sanh liễu-ngộ chơn-cảnh thật tướng này, nên trong kinh nói: 'Vì muốn cho
chúng-sanh khi thị ngộ nhập Phật-tri-kiến mà đức Phật hiện ra trong đời', liễu-ngộ chơn-cảnh thật-tướng này để làm chánh-nhơn chơn-thật thành-tựu Phật-quả.
Trước khi chỉ bày Phật-tri-kiến, đức Phật nói kinh 'Vô-lượng-nghĩa', rồi tự nhập 'Vô-lượng-nghĩa-xứ tam-muội' đó là ý gì ? Chính để chỉ rõ ràng tất cả những sự đi đứng nói nin v.v... của đức Phật không phải cảnh-giới tâm-thức tư-lương của phàm tình. Không thể dùng tâm-thức tư-lương mà suy bàn đến được.
Ðức Phật tự trụ trong tam-muội mà trời rưới bốn thứ hoa, đất lay sáu điệu. Ðó là chỉ rõ sức 'vô-tác-diệu-lực' của đức Phật chấn động hang sâu vô-minh mê tối của chúng-sanh, suốt trừ tất cả sự chướng-ngại của bốn đại sáu căn vậy. Tướng lông trắng phóng hào-quang chiếu thấu một vạn tám nghìn thế giới ở phương đông đó, chính chỉ rằng: căn, trần, thức động loạn của chúng-sanh không rời Phổ-quang-minh-trí. Phương đông là nguồn động-hóa, 18 nghìn thế-giới là lệ 6 căn, 6 trần, 6 thức: '18 giới đây không ngoài Phổ-quang-minh-trí, cũng như 18 nghìn thế-giới lộ ra trong bạch-hào-tướng-quang của đức Phật. Trong quang-minh hiện ra sự tướng của pháp-giới, dưới thấu địa-ngục A-tỳ, trên suốt cõi trời Hữu-Ðảnh; nào Phật ra đời, thuyết pháp. Niết-bàn, nào Bồ-tát tu tập đạo-hạnh; y-báo chánh-báo đồng-hiện, cả Thánh lẫn phàm chung bày, đó là gì ? Là Phật cùng
chúng-sanh, tất cả đồng một tánh-thể không hai không khác. Chỉ khác
là đức Phật chứng ngộ nơi đó, an trụ nơi đó, tự tại giải thoát, thuyết pháp độ sanh, còn chúng-sanh, mê nơi đó, dầu rằng
không bao giờ rời được đó, nhưng không tự nhận mà phải lưu-chuyển. Dầu lưu-chuyển nhưng vẫn không một phút xa rời nên chính cảnh-giới thường ngày trước mắt chúng-sanh là thật tướng chân cảnh, nếu có thể phản tỉnh xoay về, liễu ngộ tánh-thể thật-tướng này thời đó là chánh-nhơn thành Phật mà Phật-quả không xa vậy. Ðức Như-Lai hiện ra đời chính là vì việc này đó là đại-sự nhơn-duyên, đó là nhứt-thừa chơn-thật. Trên 40 năm thuyết-pháp vẫn nói không hết những việc nhứt thời hiện ra trong bạch-hào quang-minh. Trên 40 năm qua, đức Phật chưa từng hiển phát
cảnh-giới này
là vì căn-cơ của chúng-sanh chưa thuần thục còn phải đợi thời tiết, đến nay đã phải lúc nên đức Phật hiển phát.
Ngài Di-Lặc Bồ-tát sanh lòng nghi không quyết, phải hỏi Ngài Văn-Thù Bồ-tát, đó là ý chỉ rằng cảnh-giới thật tướng này không phải tâm thức có thể biết thấu đáo được, phải dùng chơn-trí mới tương-ưng. Ðại-trí Văn-Thù dẫn việc sau trước của Cổ-Phật Nhựt-Nguyệt Ðăng-Minh, chứng thoại-tướng hôm nay cũng thế, để rõ rằng Phật Phật dạo đồng, xưa cùng nay vẫn một lý thôi.
Do những nghĩa trên nên phẩm 'tự' này là tổng hiển cảnh tượng một đại-sự nhơn-duyên vì đó mà đức Phật hiện ra trong đời vậy.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
Đại Sư
Hám Sơn, Giảng Giải
Hòa Thượng
Thích Viên Giác, Việt dịch
Lời Tựa
Xưa ngài Thiên Thai Trí Giả đại
sư chuyên trì Kinh Pháp hoa đắc được Pháp hoa tam muội, thấy cảnh Đức Phật đang
thuyết pháp ở Linh sơn. Ngài căn cứ vào ba pháp quán Không, Giả, Trung để giải
thích Kinh Pháp hoa này, ngài chủ trương thế giới hiện tượng và bản thể đều qui
về tâm thức.
Bộ Pháp hoa huyền nghĩa và các
tác phẩm khác của Ngài, giải thích về Kinh Pháp hoa rất rõ ràng nhưng do văn rộng,
nghĩa sâu làm cho người sơ học khó lãnh hội hết được.
Thiền sư Ôn Lăng ban đầu giải
thích ý nghĩa của kinh một cách tổng quát, lấy sự tướng thuyết minh nghĩa lý,
câu văn thanh nhã, ý chỉ rõ ràng. Mặt khác, ngài lấy giáo nghĩa Kinh Hoa nghiêm
làm Thỉ giáo, Pháp hoa làm Chung giáo, điều đó rất đúng. Tuy nhiên vì giảng tổng
quát nên chưa phát huy hết ý nghĩa toàn kinh, người đọc cũng khó mà thông suốt
ý chỉ thỉ chung. Cả hai Ngài (Trí Giả và Ôn Lăng) đều lấy tám phẩm sau cùng làm
phần lưu thông của bộ kinh, điều đó chưa thật thuyết phục, người đọc qua cho là
không có gì đặc biệt. Vì vậy làm cho ý của Phật chưa đủ hiển lộ và chỉ của kinh
chưa được rõ ràng, văn tự còn rườm rà.
Tôi (Đức Thanh) từ thuở bé đã
vào giảng đường nghe kinh, có chỗ nghi ngờ nên thường chú tâm nghiên cứu. Trước
đây lúc tôi bị nạn đi đày ở Lĩnh Nam. Ban đầu ngài Đạt Quán thiền sư vì tôi mà
phát nguyện tụng 100 bộ Pháp hoa để cầu tiêu tội kiếp xưa. Sau trên bước đường
lưu đày tôi tập hợp các đệ tử mở đạo tràng tụng niệm theo thời khóa. Đại chúng
mời tôi giảng thuyết một tuần (10 ngày) bỗng nhiên có chỗ lãnh hội. Tôi lấy bốn
chữ KHAI, THỊ, NGỘ, NHẬP để giảng suốt toàn Kinh Pháp hoa. Đại chúng đều rất
hoan hỉ, do đó phân ra thành chương tiết, trước sau thống nhất, lấy bốn pháp
TÍN, GIẢI, HẠNH, CHỨNG của Kinh Hoa nghiêm tóm thâu chặt chẻ, thỉnh ý của các
nơi đều được chấp nhận. Nhưng nghĩ đến phần đại cương dù đã rõ nhờ phân phẩm mục
mà ý kinh chưa giảng chi tiết, chẳng tiện cho sơ học. Vì vậy tôi lại biên soạn
chi tiết để trình bày ý chỉ toàn kinh, tuy vậy vẫn còn sơ lược chưa rõ. Lấy
phát minh của Tông Hoa Nghiêm về ý tưởng: Đức Như Lai xuất hiện ở đời chỉ vì một
nhân duyên lớn, mà ở phẩm Phương tiện Đức Phật đã nói rất rõ. Nhưng những người
được truyền đạt không hiểu nhân duyên ban đầu ấy làm cho người học Phật không
khỏi trông ra biển mà than.
Nay tôi viết bộ Pháp hoa thông
nghĩa này vẫn tuân theo các bộ giải thích xưa của cổ đức không dám coi thường
mà tự giải thích, chỉ lấy toàn bộ kinh qui về ý nghĩa khai, thị, ngộ, nhập Phật
tri kiến, làm sáng tỏ ý chỉ Thỉ Chung của Kinh Hoa nghiêm và Pháp hoa để phù hợp
bản hoài xuất thế của Như Lai. Tập hợp những dòng khác nhau để qui về nơi biển
cả, chú trọng phần tôn chỉ, còn văn từ có thể lược để dễ thông suốt ý nghĩa sâu
xa. Dù cách thức trình bày chẳng theo xưa, phần lý lẽ vẫn có cơ sở, mong người
xem đừng vì lời người hèn mà bỏ qua thì cái tội lấn lướt của tôi mới có thể
thoát được.
Phán Giáo
Toàn bộ giáo pháp mà Đức Phật dạy,
được các bậc cổ đức phân biệt sâu, cạn, nhiều, ít khác nhau. Ngài Hiền Thủ thì
chia thành năm phần: Tiệm giáo, Thỉ giáo, Chung giáo, Đốn giáo và Viên giáo.
Kinh Pháp hoa được liệt vào Chung giáo, còn Kinh Hoa nghiêm là Viên giáo. Ngài
Thiên Thai Trí Giả thì chia thành bốn: Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên
giáo. Kinh Pháp hoa thì được coi là Thuần viên, còn Kinh Hoa nghiêm thì được
coi là Biệt Viên, nghĩa là mang sắc thái Viên đặc biệt. Như vậy quan điểm của
hai vị Đại sư tuồng như khác nhau, vì chủ trương của hai Ngài riêng biệt. Ngài
Thiên Thai cho Kinh Pháp hoa là thuần Viên, vì kinh này thuần nói về thật tướng
của các pháp, giống như con trâu trắng lớn thuần nhất không tạp sắc; ba thừa đều
quy về một, năm loại chủng tánh đều vào được. Về lý không có gì không thông suốt,
về sự không có gì là chướng ngại, cứu cánh là VIÊN. Kinh Hoa nghiêm được coi là
Biệt Viên, vì lấy lấy công hạnh của bốn mươi hai vị để trình bày, nghĩa là lấy
cái “Biệt” để làm sáng tỏ cái”Viên”. Nói như vậy vẫn chưa hết được cái lý viên
dung, sự sự vô ngại của Hoa nghiêm. Nên nói rằng Kinh Pháp hoa là độc tôn thì
không thể chấp nhận được.
Ngài Thiên Thai do ngộ Pháp Hoa
tam muội, dựa vào chỗ sở đắc của mình mà khai triển đề cao để trình bày pháp
thù thắng vi diệu. Trái lại Ngài Hiền Thủ thì liệt Kinh Hoa nghiêm vào Viên
giáo, Pháp Hoa vào Chung giáo. Kinh Hoa Nghiêm biểu hiện báo thân Phật, dựa nơi
Thật báo trang nghiêm độ tương ứng với lý tánh mà thuyết, pháp giới vẹn toàn
viên dung vô ngại, tự tại pháp môn. Tất cả chánh báo, y báo, hạt bụi, sợ lông đều
tương ứng với pháp giới tánh. Tuy nói nghĩa lý các ngôi vị, nhưng trình bày
nhân quả xuyên suốt không chướng ngại, cho nên gọi là Viên. Còn Pháp hoa gọi là
Chung. Vì kinh này do hóa thân Phật nói ra ở cõi phương tiện thánh cư địa, dẫn
dắt hàng Tam thừa quy về Nhất thừa. Điều đó nghĩa là Như Lai vì một đại sự nhân
duyên mà xuất hiện ở đời là muốn làm cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến. Phật
tri kiến chính là nhất chân pháp giới, Như lai tạng tâm. Đức Xá Na chứng đắc
pháp ấy gọi là Pháp giới hải hội phổ quang minh trí, còn gọi là nhất thừa thường
trụ chơn tâm.
Lúc mới thành chánh giác nơi Bồ
đề đạo tràng, Đức Phật biểu hiện chơn tâm này mà thuyết Hoa Nghiêm, trình bày
lý pháp giới viên dung vô ngại, dành riêng cho hàng căn cơ lớn, còn hàng tiểu
căn ngồi đó mà như đui như điếc. Vì vậy đối tượng giáo hóa không được rộng rãi,
nghĩa là một cánh cửa hẹp, chưa nói hết bản Hoài của Phật. Cho nên, ngài xem
cây kinh hành, trong 21 ngày tư duy, Đức Thế Tôn đem pháp Nhất thừa chia làm
ba. Ngài thị hiện tâm đồng thể đại bi, không rời khỏi chỗ ngồi mà biến hiện khắp
mười phương, dùng ứng hóa thân thị hiện từ trời Đâu Suất xuống Hoàng cung, hiện
tám tướng thành đạo. Ở tại vườn Lộc Uyển thuyết pháp Tứ đế độ mọi chúng sinh.
Các vị Thanh văn tuy chứng Niết bàn, nhưng đối với tri kiến Nhất thừa không thể
dự phần. Do vậy Đức Phật phải mất 40 năm lập phương tiện quyền xảo ra sức chỉ dạy,
đào thải. Đến hội Pháp hoa thì tâm trí đại chúng mới tinh thuần, tin vào Phật
tâm, tin vào sự thành Phật của mình. Vì vậy tất cả mọi người đều được thọ ký,
và như vậy mới thành tựu bản Hoài xuất thế của Đức Phật. Đây là nhân duyên lợi
lạc quần sinh sắp chấm dứt nên gọi là Chung giáo. Đứng về phương diện giáo hóa
đã xong mà gọi là Chung, do Chung mà cũng gọi là Viên, do đem mọi nhân quả và cứu
cánh nhiếp vào sự viên mãn của biển tâm, không an trụ ở sự viên mãn ấy. Kinh
Hoa nghiêm là Đốn viên như mặt trời mới mọc, trước hết chiếu trên đỉnh cao của
ngọn núi, còn kinh Pháp Hoa này là Tiệm Viên như hợp tất cả những dòng chảy
khác nhau cùng về biển cả. Trường hợp Long nữ thành Phật cũng gọi là Đốn viên.
Luận Trí Độ thuyết minh về đường hướng của hai kinh rõ ràng như ánh sáng mặt trời,
xin xem phẩm Phương tiện có thể thấy bản Hoài xuất thế của Như Lai.
Trong kinh Pháp Hoa thí dụ ông
Trưởng giả oai đức số một, là chỉ cho báo thân của Phật; nhà của Trưởng giả là
Nhất chân pháp giới. Sự giàu có của ông là vô lượng trang nghiêm của Hoa tạng
thế giới; xe trâu trắng lớn là dụ cho Nhất thừa nhân quả. Thẳng đến nơi Bảo sở
là chỗ pháp giới thanh tịnh, còn gọi là Diệu Trang Nghiêm hãi. Mọi thi thiết đều
đưa về pháp giới, mọi hiển lộ hiện tướng có chỗ nào mà không rõ ràng? Cho nên cổ
đức cho rằng Hoa nghiêm là “căn bản pháp luân”, Kinh Pháp hoa này là “nhiếp mạt
quy bản pháp luân”. Nội dung giáo pháp không ra ngoài Lý, Hạnh, Nhân, Quả lấy
lý và hạnh làm nhân, chứng nhập làm quả. Tôi cho rằng bốn mươi năm trước là
thuyết pháp dẫn dụ, đến hội Lăng Già nói về thánh trí tự giác, thức tạng tức
Như Lai tạng, làm hiển lộ lý tính viên mãn và sự vi diệu của tâm. Như kinh nói”
Đại thừa của ta là vô thừa”, là đã có ý khai quyền hiển thật (mở cái tạm để thấy
cái thật). Đến hội Pháp hoa thuần nói về thật tướng, một sắc một hương đều quy
về trung đạo, trình bày công hạnh đã tròn đủ và cảnh giới vi diệu. Lý hạnh đã
tròn, tâm cảnh đều diệu thì Tri kiến Phật ở đây mà thôi. Bản Hoài của Phật
không có gì khác hơn. Chúng sinh căn cơ ba thừa đều khai mở tri kiến này nên được
thọ ký, đều nhập Niết bàn, do vậy gọi là Chung, dẫn chúng sinh quy về pháp giới
mới là rốt ráo.
Ngài Hiền Thủ đứng về phương diện
giáo hóa mà ấn định Pháp Hoa làm Chung giáo thì rất hợp lý. Ngài Ôn Lăng đứng về
phương diện trước sau (thỉ chung) mà phân biệt Hoa Nghiêm là trước và Pháp Hoa
là sau (chung), suy cho cùng cũng có lý, tuy vậy chưa phát huy hết ý nghĩa. Xem
kỹ ý chỉ của kinh, dung hội nghĩa lý phù hợp Phật tâm thì liễu thông toàn kinh.
Giải Thích Đề Kinh
Đề kinh gọi là Diệu pháp Liên
hoa, là chỉ cho Nhất chân pháp giới, Như Lai tạng tâm, do vậy mà lập danh. Luận
Khởi Tín nói: điều gọi là Pháp chính là tâm chúng sinh, tâm này bao trùm các
pháp thế gian và xuất thế gian, tâm này là toàn thể pháp giới, phàm thánh, nhiễm
tịnh, nhân quả đều bao trùm trong tâm ấy. Tâm ấy ở nơi Thánh không tăng, nơi
phàm không giảm, ở nơi ô nhiễm không dơ mà xuất trần chẳng sạch. Do đó mà đức Tỳ
Lô Giá Na Như Lai chứng đắc cùng tột tâm này, tâm cảnh nhất như, phàm thánh
bình đẳng. Tâm ấy chúng sanh vốn đầy đủ, nên Phật từng dạy rằng: Lạ thay! Lạ
thay! Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng
điên đảo chấp trước mà chẳng chứng được. Chư Phật do ngộ tâm này mà gọi là Phổ
quang minh trí, còn gọi là Phật tri kiến. Chúng sanh mê muội tâm ấy thành vô
minh nghiệp thức, là cội gốc sanh tử. Một khi thấy được tâm này thì tâm này là
Phật, đây là sự vi diệu của tâm. Hoa tạng thế giới, y báo chánh báo trang
nghiêm, trùng trùng vô tận, vi diệu viên dung, hạt bụi, sợi lông, cỏ rác.v.v… đều
do nơi tâm này mà lập, thật tướng vô tướng là vi diệu của cảnh. Tâm cảnh chẳng
hai, thuần túy nhất tâm nên gọi là Diệu pháp.
Tuy nhiên diệu pháp này đối với
chúng sanh mê muội thì gọi là Tạng thức, chư Phật giác ngộ thì gọi là Như Lai tạng.
Dựa vào tâm nhất như này mà kiến lập pháp giới thì gọi là Liên hoa tạng. Pháp
này chân vọng xuyên suốt, nhiễm tịnh dung thông, nhân quả đồng thời, thỉ chung
một lối. Do đó, về mặt dụ thì lấy biểu tượng hoa sen, về mặt pháp thì chỉ thẳng
bản thể của tâm. Tâm này ở nơi Phật gọi là Phổ quang minh trí, còn gọi là thật
trí, hay Nhất thiết chủng trí hoặc gọi Tự giác thánh trí nên gọi là Phật tri kiến.
Tâm nầy ở nơi chúng sanh thì làm căn bản vô minh, chúng sinh vốn có tuệ giác của
Phật nhưng do vô minh che lấp nên không biết. Chư Phật ra đời vì chúng sanh mà
tuyên bố tâm này để làm cho họ tự mình thấy mà ngộ nhập. Cho nên mới nói chư Phật
Như Lai chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời, đó là khai thị ngộ nhập
Phật tri kiến, làm cho chúng sanh đều đạt thanh tịnh. Chỉ lấy việc này làm việc
chính, ngoài ra không có việc gì khác. Đây là bản Hoài xuất thế của Như Lai. Thật
quả tâm này thật khó ngộ vậy.
Đức Xá Na Như Lai, ban đầu mới
thành chánh giác nơi Bồ đề đạo tràng liền khai thị tâm này, nói Kinh Đại Hoa
Nghiêm, gọi là Kinh Phổ chiếu pháp giới, còn gọi là Nhất thừa. Chỉ có hàng
chúng sinh căn cơ lớn thấy nghe được lợi ích, còn hàng hạ căn liệt tuệ, thân
tuy ngồi trên tòa mà như mù như điếc. Do vậy Đức Phật khởi lòng đại bi, quán thọ
kinh hành, đem pháp giới nhất thừa phân biệt nói thành ba. Ngài hóa hiện ứng thân
cùng một lúc cả hai tướng (một là Bồ đề đạo tràng nói kinh Hoa Nghiêm, một là
vườn Lộc Giã thuyết pháp).
Ở nơi vườn Lộc dã thuyết pháp Tứ
đế cho hàng Thanh văn nghe. Bản Hoài của Phật chủ yếu là khai thị Phật tri kiến,
nhưng vì chúng sanh căn cơ chậm lụt nên từ khi thuyết pháp tại Lộc Giã trở đi
đã trải qua bốn mươi năm, Đức Phật vất vả thiết lập các phương tiện khác nhau,
vậy mà căn cơ số đông vẫn chưa khai ngộ, đến khi bị Phật quở trách mới có lòng
tin Phật. Cho đến hội Pháp hoa, Phật thấy căn cơ chúng sanh đã thuần thục tin
chắc tâm này, tức thì thọ ký cho mọi người đều được thành Phật. Điều đó gọi là
biết tất cả pháp là tự tánh của tâm. Thành tựu trí tuệ này không phải nhờ người
khác mà giác ngộ được. Đến đây bản Hoài xuất thế của Đức Thích Ca mới toại chí.
Do vậy ngài tận tình thổ lộ điều khổ tâm bức xúc đã qua để hiểu công việc độ
sanh. Trụ thế chẳng bao lâu Ngài nhập Niết bàn, gọi là chấm dứt dấu vết hóa hiện.
Như ông Trưởng giả sắp chết giao phó gia nghiệp cho con. Nên biết kinh này như
là chúc thư giao phó gia nghiệp làm lưu thông giáo pháp một đời.
Vì một mực không nói nên gọi là
hộ niệm, ngày nay mới nói nên gọi là phó chúc. Sự việc bao quát cả quá khứ đã
qua nên ý nghĩa nằm ngoài ngôn từ. Nếu cẩu thả không quán chiếu pháp giới, khế
hợp Phật tâm mà cứ khư khư chấp nơi văn tự mà tìm cầu thì mờ mịt không chỗ đi về.
Hiểu rõ đề kinh này tức hiểu ý
chỉ toàn kinh hơn phân nửa rồi vậy.
Lời Giới Thiệu
Ngài Hám Sơn Thích Đức Thanh
sinh ngày 5 tháng 11 năm 1546, mất năm 1623. Quê hương ngài ở Huyện Trần Tiêu
thuộc Châu phủ Chúc Trừ (nay huộc Tỉnh An Huy). Ngài vào chùa năm 12 tuổi, chính
thức xuất gia năm 19 tuổi, đầu sư với Hòa thượng Tây Lâm.
Ngài là một nhân vật đặc biệt
trong các Tôn túc chấn hưng Phật giáo đời Minh, từng bị đi đày vì tiếp cận với
các mối tranh chấp trong Hoàng tộc. Trong thời gian bị đày, gần 18 năm, dù khó
khăn ngài vẫn nỗ lực hoằng dương Phật pháp ở nơi biên cương hẻo lánh. Tác phẩm
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Thông nghĩa ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Đối với Kinh Pháp hoa ngài đã có
nhân duyên từ thuở mới vào chùa. Nay với sự uyên bác về thế học và Phật học,
Ngài có tầm nhìn mới mẻ, những lý giải sâu sắc về kinh Pháp hoa, mà giáo nghĩa
của kinh từ trước vốn bị ảnh hưởng tư tưởng của Ngài Trí Khải. Ngài Đức Thanh lấy
bốn chữ KHAI THỊ NGỘ NHẬP để triển khai toàn bộ kinh, lý giải rõ nét tư tưởng
“Hội tam quy nhất” hay “Quyền tức Thật” làm cho đường hướng Kinh Pháp hoa sáng
tỏ và tăng khả năng dung nhiếp hơn.
Nhân duyên của bản dịch Kinh
Pháp hoa Thông nghĩa nầy là nhờ sự khích lệ, trợ duyên của Thượng Tọa Thích
Thanh An, Thầy có tâm nguyện truyền bá tư tưởng Pháp hoa Thông nghĩa từ lâu
nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Trước tâm nguyện thiết tha của Thầy, tôi mạo
muội và cố gắng hoàn tất dịch phẩm. Công đức của Thượng tọa rất lớn.
Bản dịch nầy được dịch từ nguyên
bản Hán văn Diệu pháp Liên hoa Kinh Thông nghĩa, gồm 7 quyển. Do ngài Hám Sơn
Thích Đức Thanh thuật, được xếp vào Tục Tạng chữ Vạn (Tục Tạng Vạn tự), tập 49,
trang 799. Trong khi dịch có tham khảo tài liệu viết tay của Thượng tọa Thích
Minh Bá do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh giảng và một số tài liệu, tự điển liên quan.
Ngài Đức Thanh giảng Kinh Pháp hoa Thông nghĩa theo cách thông thường là giảng
từng đoạn trong từng phẩm. Mỗi phẩm giảng có hai phần: Phần một là đại ý toàn
phần, phần hai đại ý từng đoạn. Lời văn là lối văn giảng nói nên có nhiều chỗ lặp
lại, những từ đệm hơi nhiều nên người đọc không kiên trì sẽ chán. Mặt khác nữa
trong nguyên bản Hán văn, không in đủ nguyên văn bản Kinh Pháp Hoa mà chỉ nói:
“Từ câu … đến câu …”. Vậy người đọc phải có bản Hán văn Kinh Pháp Hoa để đối
chiếu, hoặc nếu bản chữ Việt thì phải có bản Kinh Pháp Hoa Việt dịch, người dịch
sử dụng bản dịch của Hòa Thượng Trí Tịnh, vì lẽ bản dịch của ngài quá phổ biến,
hầu như chùa nào, Phật tử nào cũng có.
Các thân hữu đề nghị in hẳn phần
chánh văn để cho người đọc tiện theo dõi. Điều đó hoàn toàn chính xác. Nhưng có
điều bất tiện là tác phẩm sẽ quá dày, sẽ ngán cho người đọc, hơn nữa chi phí sẽ
cao.
Chúng tôi cho rằng tác phẩm này
đối với quần chúng Phật tử bình thường rất khó tiếp cận, chỉ thích hợp cho những
người nghiên cứu học hỏi như Tăng Ni sinh các Trường Phật Học và các nhà nghiên
cứu tham khảo. Như vậy việc có bản Kinh để đối chiếu theo dõi là việc bình thường
của những người quan tâm.
Với trình độ Hán văn còn non yếu,
bản dịch không tránh khỏi những sơ sót hay bất cập. Kính mong Chư Tôn đức hoan
hỷ chỉ giáo những lỗi lầm để dịch phẩm được hoàn chỉnh hơn.
Tỳ kheo Thích Viên Giác
Phẩm Tựa Thứ Nhất
1. Từ câu:
“Như thị ngã văn”, đến câu: “Diệc dữ quyến thuộc câu” (Tôi nghe như vầy… cùng
với quyến thuộc câu hội).
Đây là cách
thức kết tập kinh điển, lúc Đức Thế Tôn sắp nhập Niết bàn, ngài A nan xin Phật
dạy nguyên tắc kết tập kinh, các kinh đều mở đầu chung như vậy, được giải thích
như thường lệ.
Đức Phật
thuyết pháp đều hợp với căn cơ luôn lấy nhu yếu của đối tượng đang hiện diện làm
quan trọng. Kinh này là pháp nhất thừa dạy cho Bồ tát, nhưng đưa hàng Thanh văn
giới thiệu trước là để “Khai quyền hiển thật”, đặc biệt là dẫn dắt nhị thừa
nhập Phật tri kiến, thọ ký cho họ thành Phật, cho nên lấy Thanh văn làm thượng
thủ. Nếu ca ngợi về đức hạnh thì phải nói rằng các lậu hoặc của họ đều đã diệt
tận, tâm thức được tự tại. Chính là làm hiển lộ tâm của hàng nhị thừa đã được
điều phục nhu nhuyến, có thể tiếp nhận pháp lớn. Đây là lúc căn cơ đã thuần
thục để mà đắc đạo, trở xuống dưới liệt kê các hàng đệ tử khác nữa cũng đều như
vậy, cho đến hàng hữu học tỳ kheo ni v.v… cũng được đứng đầu. Đối tượng Phật
hóa độ có “Nhân”, có “Thân” chúng Thanh văn thuộc về đối tượng thân cận, còn
những người khác thuộc đối tượng nhân duyên. Nhân duyên Phật tánh chính là ở
đây, trở xuống đoạn dưới họ đều được thọ ký, là liễu nhân. Phật tánh hiển lộ
rồi thì việc độ sanh mới Hoàn tất.
2. Từ câu
“Bồ tát ma ha tát bát vạn nhơn…” đến câu: “Các lễ Phật túc thối hạ nhất diện”
(Bồ tát ma ha tát tám vạn người… đều lễ chân Phật rồi ngồi qua một bên).
Trong phần
tự này liệt kê rộng rãi thính chúng tham dự pháp hội. Các vị Đại Bồ tát là
những người giúp Phật hoằng dương Phật pháp, họ làm quyến thuộc của Phật. Vì
rằng, pháp mà Đức Phật thuyết là pháp xuất thế hoàn hảo, là những lời lẽ siêu
việt, nếu không phải là bậc đại sĩ làm sao mà xiển dương được. Bồ tát Văn Thù
là thầy của bảy vị Phật, thông suốt tâm Phật nên được coi là thượng thủ trong
hàng Bồ tát. Điều đó cho thấy kinh này lấy trí tuệ làm căn bản và tôn chỉ. Tiếp
đến là chư thiên, loài người, long thần, bát bộ đang theo Phật đi giáo hóa, họ
là chúng hộ pháp nên ngồi chung một tòa.
Đức Phật
xuất hiện ở đời vì giáo hóa chúng sinh đều thành Phật đạo, đó là bổn hoài của
Như Lai. Nay vì hàng Nhị thừa, Đức Phật thọ ký cho mọi người đều được thành
Phật trong khi Đức Phật sắp Hoàn tất công việc độ sanh giống như ông trưởng giả
sắp lâm chung mà hội họp thân tộc, quốc vương, đại thần, cư sĩ, sát đế lỵ đến
để làm chứng cho việc di chúc này, đó là lý do nơi hội Linh sơn này đủ mặt mọi
người. Có thể thấy được sự thù thắng của chúng hội này. So sánh với chúng hội
Hoa Nghiêm cùng bốn mươi hai vị Dị sanh thân, mỗi vị đại biểu cho sự thành tựu
một pháp môn để viên thành quả hải, mới thấy rằng mỗi kinh thành phần hội chúng
đều có ý nghĩa khác nhau.
Trên là phần
mở đầu tổng quát, tiếp theo sau là đi vào chi tiết.
3. Từ câu:
”Nhỉ thời Thế Tôn tứ chúng vi nhiễu…” đến câu: “Hoan hỷ hiệp chưởng nhất tâm
quán Phật” (Bấy giờ Đức Thế Tôn bốn chúng vây quanh… hoan hỷ chấp tay một lòng
hướng về Phật).
Đây là phần
mở đầu nói riêng nguyên do thuyết kinh nầy.
Sắp sửa nói
Diệu pháp, trước hết nói Kinh Vô lượng nghĩa. Bốn mươi năm về trước vì hạng căn
cơ Tam thừa mà thuyết các pháp khác nhau, đều là phương tiện tạm thời, chưa rời
khỏi phạm vi tâm, ý, thức. Nay sắp bày tỏ pháp nhất thừa thật tướng, nền tảng
tri kiến Phật, nên trước hết thuyết kinh này để làm tiền đề, ý muốn mọi người
vượt thoát tâm thức phân biệt, ra khỏi lưới tình để có thể bước vào tri kiến
Phật. Kinh Vô lượng nghĩa này là tâm pháp bí mật của chư Phật, như viên ngọc
minh châu trong búi tóc của vị Luân vương (chuyển luân thánh vương), không thể
tùy tiện cho ai, là đối tượng được chư Phật hộ niệm, điều nầy là biểu hiện sự
vi diệu của tâm pháp.
Đức Phật lại
nhập định Vô lượng nghĩa xứ để biểu hiện cái tâm tịch diệt và cái cảnh thật
tướng, không phải là đối tượng của kẻ tán tâm loạn ý có thể thấy. Phải từ nơi
tam muội mà quán chiếu mới có thể thâm nhập vào chỗ vi tế sâu xa. Đây là biểu
lộ sự vi diệu của cảnh. Tâm pháp và cảnh đối tượng đều vi diệu mới là ý chỉ của
toàn kinh, đã được biểu hiện ở đây. Nhận thức rõ tâm và cảnh vi diệu này mới là
điều kiện chính để thành Phật, cho nên trời mưa xuống bốn thứ hoa để cúng
dường. Nếu không hội nhập tâm và cảnh này thì không đủ sức phá màn vô minh, nên
đại địa mới chấn động sáu cách, đó là biểu hiện tác dụng lớn của Diệu pháp,
trước hết dùng định lực khởi động. Đại chúng trong pháp hội từ xưa đến nay chưa
từng thấy, cho nên rất hoan hỷ mà chẳng biết duyên cớ gì, chỉ nhìn Phật mong
được tiếp nhận lời Phật dạy.
4. Từ câu:
“Nhĩ thời Phật phóng mi gian bạch hào tướng quang”, đến câu: “Dĩ Phật xá lợi
khởi thất bảo tháp” (Bấy giờ Đức Phật phóng ánh hào quang từ giữa lông mày… đem
xá lợi đựng trong tháp thất bảo).
Toàn chương
này trình bày cảnh thật của pháp giới.
Tướng hào
quang trắng biểu tượng cho Trí tuệ trung đạo, nghĩa là nơi tự tâm hiện cảnh
giới của thánh trí giác ngộ, trí tuệ ấy lấy nhất tâm chân pháp giới làm nền
tảng, nên tất cả chúng sinh tâm họ bị rối loạn là bởi căn, trần và thức đều là
do trí tuệ này tùy theo duyên mà biến biện. Nay tự thân của trí tuệ này hiện
hữu rổng sáng chiếu suốt không bị chướng ngại, nên tỏa chiếu khắp phương Đông
một vạn tám ngàn cõi, là chỗ tựa sự khổ vui của ba cõi, là sự luân hồi của
chúng sinh trong lục đạo, là sự khởi đầu và chung cuộc của chư Phật, là nền
tảng Diệu hạnh của chư Bồ tát độ sanh. Tất cả đều không tách khỏi tác dụng của
trí này. Vì vậy, tất cả điều hiển hiện trong vòng hào quang. Thông suốt hào
quang này thì sạch, dơ, tình, vọng, chúng sanh và Phật đều bình đẳng. Do đó
thật tướng nhất thừa, căn bản tri kiến Phật chiếu sáng trong tự tâm. Điều đó có
nghĩa là dùng trí để chấm dứt cái khổ luân hồi vậy. Ý chính của toàn bộ kinh
được giải rõ như đây.
5. Từ câu:
“Nhĩ thời Di Lặc Bồ tát tác thị niệm” đến câu: “Thiệm sát nhân giả vi thuyết hà
đẳng” (Bấy giờ Di Lặc Bồ tát khởi ý nghĩ rằng… nhìn xem xét Ngài có mong sẽ nói
những gì?).
Đoạn này
Ngài Di Lặc Bồ tát hỏi để làm rõ thật tướng chân cảnh.
Diệu pháp
nhất thừa, thật tướng chân cảnh, Phật tri kiến địa đã hiển lộ trong hào quang
của Phật. Bốn chúng đều chưa từng thấy nên hoang mang nghi ngại, đó là điều
không dùng tâm suy nghĩ mà đạt đến được. Ngài Di Lặc tuy là bậc thánh nhưng
tình thức chưa thông nên không khỏi phân biệt, nên khởi lòng nghi chính. Văn
Thù là đại trí có thể hiểu rõ nguồn gốc, đã trải qua hầu hạ nhiều Đức Phật, đã
từng thấy sự việc như vậy, nên phải hỏi để thõa mãn sự thắc mắc của mình. Đến
như hỏi về những biểu hiện trong hào quang bao gồm tình trạng của chúng sanh
trong lục đạo, sự nghiệp độ sanh của chư Phật, thỉ chung tu hành của Bồ tát,
cho đến các thứ nhân duyên cầu đạo và những diệu hạnh cúng dường Xá Lợi Phật,
tất cả đều thấy rõ. Như Lai nhập định trong khoảng khắc, trong hào quang còn
thấy nhiều sự kiện từ xưa, nay vẫn không thay đổi. Do nhân duyên gì mà có những
sự vi diệu này? Không biết rằng Đức Như Lai Xá Na khi ở nơi Bồ đề đạo tràng
nhập định Phổ quang minh trí trong một sát na mà hiện thân mười cõi, có mặt
khắp nơi và đều thuyết pháp để lợi ích chúng sanh. Vậy mới biết từ vườn Lộc
Uyển đến nay, trong bốn mươi năm hoằng dương Phật pháp chưa ra khỏi sát na tam
muội. Đây đâu phải là việc mà tâm thức yếu đuối, phân biệt của chúng sanh có
thể hiểu được? Đó là nói sơ qua mà chưa kể hết những sự biểu hiện trong hào
quang. Ngày nay mới hiển lộ cái chung nhất của pháp giới, cho nên thấy được
quang tướng này là thấy rõ tâm Phật, là ngộ tri kiến Phật. Điều nầy ý thức
không thể biết được, cũng không thể dùng ngôn ngữ mà đạt được. Thực chất toàn
thể Diệu pháp phải ở nơi vô ngôn mà ngộ, cho nên Đức Thế Tôn sắp nói diệu pháp,
trước hết phóng một hào quang làm biểu tượng đi trước, nếu có thể thấy được
quang tướng này thì không nói mà hiểu.
6. Từ câu:
“Nhĩ thời Văn Thù Sư Lợi ngữ Di Lặc Bồ tát” đến câu: “Nan tín chi pháp cố hiện
tư đoan” (Lúc bấy giờ Ngài Văn Thù nói với Di Lặc Bồ tát… pháp khó tin nên hiện
điềm lành).
Đoạn này
Ngài Văn Thù đáp một cách tổng quát các câu hỏi.
Các điềm
lành không phải ứng hiện giả tạo, đã có ứng hiện chắc chắn phải có nguyên nhân,
cho nên phải biết rằng điềm lành là cái tướng đi trước biểu hiện sắp nói về
pháp lớn. Mưa là để thấm nhuần cây khô, tù và để hưng khởi ý chí đại chúng,
trống là để sách tấn tâm giải đãi. Tất cả đều nói lên thí dụ chỉ cho pháp lớn.
Vì đại pháp là hiếm có, sợ mọi người cho là tầm thường, ý muốn làm cho mọi
người sinh tâm khó gặp, nên trước hết hiện điềm lành để kích phát. Cho nên nói:
“Muốn cho chúng sinh đều được nghe biết pháp mầu mà tất cả trong đời khó tin
theo nên mới hiện điềm lành này”.
7. Từ câu:
“Chư thiện nam tử như quá khứ vô lượng vô biên” đến câu: “Tam miệu tam Bồ đề
thành Nhất thiết chủng trí” (Các thiện nam tử! Như vô lượng vô biên kiếp về
trước… chánh đẳng chánh giác thành bậc Nhất thiết chủng trí).
Đoạn này dẫn
chứng nguồn gốc xưa của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, là Tổ của Đức Phật Thích Ca
đã thuyết đạo lý này. Ý muốn nói lên sự tương tục của Diệu pháp có nguyên do.
Đức Phật
hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh tức là lấy dụ mặt trời mặt trăng, bao trùm cả
ngày lẫn đêm đều chiếu sáng mà không có ánh sáng nào hơn, và ngọn đèn tiếp nối
sáng liên tục. Aùnh sáng vĩ đại ấy không bao giờ tắt, biểu tượng cho trí tuệ
“Phổ quang minh trí”. Chứng được trí này thì gọi là Phật, đầy đủ mười hiệu. Vì
sở chứng của Phật là căn bản thật trí, vì pháp được Phật nói ra tương ưng với
thể tánh, nên ban đầu, ở giữa hay sau cùng đều thiện. Tùy theo căn cơ mà phân
biệt nói ba thừa để làm phương tiện cho Nhất thừa, cho nên gọi là thành tựu
nhất thiết chủng trí. Dẫn việc xưa để chứng minh cho nay, thấy rằng thời giáo
hóa của Đức Thích Ca cũng giống như xưa vậy.
8. Từ câu: “Thứ
phục hữu Phật diệc danh Nhật Nguyệt Đăng Minh” đến câu: “Thiên vạn Phật sở thực
chư thiện bổn”(Kế lại có Đức Phật cũng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh… nghìn muôn
Đức Phật vun trồng các cội lành).
Đoạn này nói
đã trải qua hai vạn ức Đức Phật cũng đều một danh hiệu, đồng thuyết một pháp để
chứng minh chư Phật đều chung một đường lối và để hiển lộ diệu pháp do tâm ấn
chứng cho tâm. Danh hiệu, pháp thuyết, sự chứng đắc đều giống nhau, điều đó nói
lên tính thuần thiện trước, giữa, sau đều như thế.
Trí căn bản
này do chuyển tám thức mà thành tựu. Đức phật sau cùng lúc chưa xuất gia có tám
vương tử, là biểu tượng cho trí căn bản đang ở trong triền phược. Tám người con
thống lãnh bốn châu thiên hạ là biểu tượng cho thức chưa rời bỏ căn thân tứ
đại. Nghe vua cha xuất gia là A lại da ra khỏi triền phược, các thức khác đều
xả ô nhiễm chuyển thành trí tuệ cả, nên gọi là từ bỏ vương vị mà theo cha tu
hành phạm hạnh. Đức Thích Ca vốn đồng với xưa là tích môn đồng với bổn môn, tức
đồng một thể.
9. Từ câu:
“Thị thời Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật” đến câu: “Giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ
niệm” (Bấy giờ Thế Tôn Nhật Nguyệt Đăng Minh… Diệu pháp Liên hoa giáo Bồ tát
pháp Phật sở hộ niệm).
Đoạn này nói
các Phật Nhiên Đăng Minh truyền cho nhau đến hai vạn ức Phật là muốn nói đến ý
nghĩa chủng tử Phật tánh có từ vô thỉ.
Đến lúc nói
Kinh Vô lượng nghĩa, nhập định vô lượng nghĩa là nói chư Phật nối nhau đều đàm
luận về khai mở tri kiến Phật làm cứu cánh (chứ không nói gì khác). Những sự
kiện như mưa hoa, đất chấn động, phóng hào quang v.v… cũng như hôm nay, đều là
hiển lộ thật tướng của tâm cảnh trước sau không phải hai, pháp là tịch diệt
chân thường, đó là pháp hiếm có. Đại chúng có mặt khởi lên nghi hoặc, vấn đề
khó tin khó hiểu là đã có từ xưa, chứ không phải thời nay mới có. Các Đức Phật
kia xuất định liền thuyết Diệu pháp Liên Hoa kinh, chứng tỏ rằng thuyết pháp
phương tiện để hiển lộ thật tướng, là nguyên tắc hoằng pháp, mà các Đức Phật từ
ngàn xưa đã làm. Do đó mà có thể biết ý nghĩa sự kiện Đức Phật biểu hiện hôm
nay. Lúc các Đức Phật Đăng Minh thuyết Diệu pháp thời gian dài đến 60 tiểu kiếp
mà đại chúng cảm thấy chỉ trong một bữa ăn. Điều này cho thấy diệu pháp nhất
thừa Phật tri kiến địa, không rời sát na tam muội. Một khi nhập định (tam muội)
này thì các sinh diệt đều mất, lâu và mau là một, thấy rõ thật tướng của thân
tâm là không, tức là mười đời xưa đến nay, bắt đầu và kết thúc không rời một ý
niệm hiện tiền, vì vậy không có người nào sinh mệt mỏi. Thuyết kinh này xong
thì nhập Niết bàn, điều đó nghĩa là đại sự độ sanh của chư Phật đã Hoàn tất,
bổn hoài xuất thế đã thành tựu, từ đó mà biết rõ Đức Phật của chúng ta (Phật
Thích Ca) không bao lâu nữa, thời gian nhập Niết bàn cũng sắp đến.
Đức Phật sắp
nhập diệt mà thọ ký cho Đức Tạng Bồ tát là muốn đem Diệu pháp này phó chúc cho
có chỗ, mong sự kế tục truyền thừa mãi mãi. Đủõ thấy rằng đệ tử trong pháp hội
này đương nhiên có phần thành Phật. Sau khi Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh diệt độ
Ngài Diệu Quang trì kinh Pháp Hoa kinh tám mươi tiểu kiếp, vì người mà thuyết
pháp. Để hiển bày Nhất thừa Phật tri kiến địa, cứu cánh không rời hoạt dụng của
trí tuệ. Tám người con của Phật Đăng Minh đều thờ Diệu Quang làm thầy, nghĩa là
diệu quán sát trí ở nơi “Nhân” thì có tác dụng chuyển hóa ô nhiễm thành thanh
tịnh, ở nơi “Quả” thì có tác dụng tùy cơ thuyết pháp, nhờ đó mà tám người con
đều được thành Phật. Tám vị vương tử về sau thành Phật hiệu là Nhiên Đăng, do
thờ ngọn đèn của Diệu Quang mà thành chánh quả, cũng nhờ tác dụng của công đức
trì kinh. Đức Phật Nhiên Đăng là bổn sư của Phật Thích Ca, vậy Diệu pháp ấy
triển chuyển truyền thọ từ xưa vậy, điều đó chứng minh rằng xưa và nay chỉ có
một đường.
Tuy nhiên,
tri kiến của Phật không phải là đối tượng suy tư phân biệt, cho nên người mong
cầu danh lợi không thể thấu hiểu được. hơn nữa thiện căn làm nguyên nhân chính
cho sự thành Phật, nhờ vậy gặp được nhiều Phật. Điều này chứng tỏ cho việc hàng
Thanh văn được thọ ký hôm nay.
Ngài Văn Thù
tổng kết sự kiện trên mà nói rằng Ngài Diệu Quang kia là tôi, còn Cầu Danh Bồ
tát chính là Ngài Di Lặc hiện nay. Ngài Di Lặc thuở xưa đã từng trì kinh mà nay
vẫn còn nghi ngờ sự kiện trước mắt, cho biết rằng pháp này không phải là đối
tượng của tâm thức phân biệt.
Xem xét việc
đã qua từ ngàn xưa về điềm tướng: nhập định, phóng quang, thuyết kinh, nhân
duyên thọ ký thì biết hôm nay tất nhiên sẽ thuyết Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa
kinh. Nay trình bày nguyên do pháp hội, trước là để hiển thị thật tướng tịch
diệt của tâm cảnh, chân lý hiển hiện trong một niệm, đó là điều mà ngôn ngữ
không với tới được, cho nên phóng một hào quang để hiển hiện diệu pháp, rồi nhờ
Văn Thù đại trí, vì thính chúng không thông hiểu nên làm cho họ thấy được bổn
hoài xuất thế của Như Lai. Tức là 40 năm qua
Đức Phật
chưa ra khỏi Phổ Quang Minh Trí và sát na tam muội.
Đức Thế Tôn
một hôm thăng tòa, Văn Thù đánh kiền chùy bạch rằng:
“Đế quán
pháp vương pháp Pháp vương pháp như thị”
(Xét kỹ pháp
của Đấng pháp vương Pháp ấy là như thế).
Cho nên về
sau khi nói diệu pháp, chỉ có “Như thị” mà thôi.
10. Từ câu:
“Nhĩ thời Văn Thù Sư Lợi ư đại chúng trung” đến câu: “Dĩ cầu vô thượng đạo”
(Bấy giờ Ngài Văn Thù ở trong đại chúng… để cầu đạo vô thượng)
Đoạn này là
lời kệ tụng lập lại ý nghĩa của kinh ở trên, trình bày về sự nhập định phóng
quang và trong hào quang hiện đủ sự tướng của pháp giới các Đức Phật từ thuở
ban sơ cho đến Phật sau cùng đều giống nhau. Thông báo về sự sắp nhập diệt, nói
những điều răn dạy, khích lệ và các việc sau khi diệt độ, các việc xây tháp,
khuyên chúng tinh tấn cầu đạo. Đây là những nguyên tắc sau cùng của pháp hội,
cho thấy rằng sự thấy được Phật pháp là khó khăn.
11. Từ câu:
“Thị Diệu Quang pháp sư” đến câu: “Linh tận vô hữu dư” (Diệu Quang pháp sư đó…
khiến hết không còn thừa).
Đây là lời
tụng nói lại sự hỗ trợ giáo hóa của Diệu Quang pháp sư, sự truyền giảng, sự lợi
ích đều giống nhau. Làm chứng cho việc sắp thuyết Kinh Pháp hoa, lấy sự phóng
hào quang làm phương tiện. Nay Đức Phật phóng hào quang để biểu thị cho nghĩa
của thật tướng, nghĩa là tri kiến Phật vắng bặt tâm và cảnh, thoát ra ngoài
ngôn ngữ, tư duy. Nên mới dùng hào quang tam muội để hiển bày cái thật tướng ấy.
Trong tông môn thường dùng gậy hay hét, đuổi rượt, trợn mắt, nhíu mày đều là
chỉ ý của Tổ từ Tây qua Đó là không lấy ngôn từ làm phương tiện. Nếu người nào
thấy rõ tướng Hòa quang này thì hằng ngày sáu thời ho hen, khạc nhổ, khởi động
cánh tay không có hành động gì không phải là Pháp hoa tam muội.
Comments
Post a Comment