PHÁP HOA KINH
CƯƠNG YẾU
II.- PHẦN THỊ PHẬT
TRI-KIẾN
11.- HIỆN BỬU-THÁP
PHẨM
Trong phẩm đây hiển-thị pháp-thân thường-trú của Như-Lai, cùng cảnh tịnh-tịch thật-tướng chơn thật muốn làm cho chúng-sanh biết và thấy. Pháp thân cùng chơn cảnh đồng hiện bày trước mắt đại-chúng đó là nghĩa 'Thị' vậy.
Trong pháp-hội
Pháp-Hoa đây trước nhứt đức Phật phóng quang soi thấu phương đông, hiện đủ sự-tướng trong pháp-giới, chúng-sanh, cùng Phật v.v... trước sau đều khắp, đó chính là chung hiển thị tâm cảnh Phật tri-kiến thâm diệu của chúng-sanh. Do vì chúng hội đương-cơ chưa ngộ được diệu-tâm lại dùng tình-thức suy nghĩ so lường; phàm hễ tình-thức sanh thời trí-huệ bị cách ngại, chính trước mắt mà không tự đạt được, lại cho là không phải trí-phần của mình. Sau đó đức Như-Lai dùng đủ cách khai-thị, nào tuyên pháp-thuyết, nào dẫn 'dụ thuyết', nào thuật 'nhơn-duyên' nhờ thế mà chúng-hội đương cơ đã tin lời đức Phật, tự nhận mình sẽ làm Phật nên đều được đức Phật thọ-ký.
Mặc dầu đã được thọ-ký, nhưng đó chỉ mới tin tự tâm thôi, còn chưa nhận rõ pháp-thân chơn cảnh. Ðây thời là niệm chấp chặc nghĩa sanh-diệt chưa trừ, lòng cho có tịnh-uế chưa dứt. Vì thế nên đức Như-Lai toan hiển pháp-thân thường-trú mà tháp đẹp bẩy báu từ dưới đất vọt lên, đức Ða-Bửu Như-Lai đã diệt độ từ lâu toàn thân hiện còn nguyên vẹn, để làm tiêu tan niệm chấp sanh-diệt của chúng. Rồi chính cõi Ta-Bà uế độ này, ba phen biến thành Tịnh-Ðộ cực kỳ trang-nghiêm, để dứt trừ lòng lầm cho thật uế thật tịnh của đương hội.
Vả lại vô-lượng chư Phật ở mười phương đồng câu-hội nơi thế-giới này, để chỉ bày trong pháp-giới, không luận một trần hay (một cõi) phàm chạm mắt đến đều là chơn-cảnh thật-tướng cả, đây chính là tri-kiến chơn-thật của Phật vậy.
Tháp cao năm trăm do tuần,
trong tháp toàn thân của đức Ða-Bửu Như-Lai y-nhiên chẳng rã, để chỉ cho chúng-sanh biết rằng, chính thân ngũ-uẩn sanh diệt của mọi người là nhà ở của pháp-thân thường trú. Ðến như cõi Ta-Bà ba lần biến thành Tịnh-độ, để chỉ rõ rằng: Hoa-Tạng chơn cảnh thật-báo trang-nghiêm chẳng rời ngoài nghiệp-dụng ngũ-trược vậy.
Nơi đây đức Thế-Tôn chỉ bày pháp-thân thường-trú y-chánh trang-nghiêm, là chủ ý
muốn cho chúng hội đương cơ biết nghĩa vi-diệu của tự-tâm-cảnh, ngõ hầu liền nơi trước mặt mà hiện chứng, chẳng sanh lòng lo sợ rằng Phật-đạo dài xa, như bọn người đến bửu-sở sợ đường hiễm trở, nhàm mỏi nẻo dài xa trong phẩm trước.
Thâm ý dẫn quyền-thừa của Phật rõ thấy nơi phẩm này. Do đâu mà rõ thấy ư ?
Như trong kinh thường nói: 'khai môn phương-tiện hiển-thị-tướng chơn-thật' chơn thật tướng là gì: Chính là pháp-thân chơn-thật đức
Tỳ-Lô-Giá-Na do nhiều kiếp tu-nhơn chứng-đặng, cùng cõi Thường-tịch-quang chơn độ của Phật trụ. Rồi từ pháp thân hiện báo thân Lô-Xá-Na ở nơi Tịnh-Ðộ Thất-Báo trang-nghiêm; những thân cùng độ trên đây đều Chơn-thật, cho nên là chơn-thật-tướng.
Còn đức Thích-Ca Mâu-Ni Thế-Tôn là từ báo-thân mà hiện ứng-thân, vì tùy cơ-duyên nên cõi của đức Phật ở cũng đồng với chúng-sanh, tức là cõi uế-độ ta-bà ngũ trược này, thân cùng độ này đều là giả, vì giả nên phàm giáo-pháp của đức ứng-thân Phật thi-thiết ra đều thuộc về quyền, bởi tùy theo quyền-cơ của uế-chúng, quyền là danh-từ khác của phương-tiện vậy.
Nhơn vì đức Tỳ-Lô-Giá-Na khi thành chánh-giác, hiện thân
Lô-Xá-Na ngồi tòa kim-cương nơi Bồ-đề đạo-tràng cùng vi-trần pháp-tánh Ðại-sĩ nói kinh Hoa-Nghiêm, đây là cả thân
cùng độ đều chơn mà giáo-pháp cũng thật. Ngặt vì trong hội Hoa-Nghiêm chỉ lợi cho bực viên-căn đại-thừa thôi, còn hàng căn khí tiểu-thừa cùng bực tích-hạnh Bồ-tát tuyệt phần, nên có câu: 'Hàng nhị-thừa đích thân ngồi tại tòa trong hội mà như đui như điếc'.
Vì thế nên đương lúc đức Lô-Xá-Na thuyết Hoa-Nghiêm, chẳng ngại gì hiện thân ứng-hóa Thích-Ca Mâu-Ni tám tướng thành đạo, bắt đầu từ pháp-hội nơi vườn Lộc, đem đạo nhất-thừa mà phân biệt nói thành ba-thừa, để tiếp dẫn cơ hạng trung và tiểu. Dùng sức phương-tiện nói pháp tứ-chơn-đế, pháp thập nhị nhân duyên, sự lục độ v.v... đồng hóa-độ ba căn. Mặc dầu cũng có nói pháp giáo-hóa Bồ-tát nhưng đều thuộc về quyền-giáo. Như ông trưởng-giả trong phẩm thí-dụ hứa ba thứ xe để quyền-cứu các con, chẳng phải là có thật. Ngày nào trong toàn chúng hội, hàng
đệ-tử của Phật, còn
chưa chứng thấy pháp-thân chơn-cảnh, thời là ngày đức Thế-Tôn, đấng đại-bi bình-đẳng chưa toại lòng. Như nói: 'Ta vốn lập thệ-nguyện rằng: muốn làm cho tất cả chúng-sanh đồng như Ta không khác'. Ý của đức Thế-Tôn vẫn muốn cho chúng-sanh, mau chứng chơn-cảnh pháp-thân của Như-Lai để thẳng đến thiệt quả Hoa-Tạng trang-nghiêm. Ngặt vì chúng-hội hạ liệt một mực chấp quyền là thật mà chẳng chịu thẳng đến trước, vả lại đối với chơn-thuyên của đức Thế-Tôn đúng thật tuyên bày lại nghi ngờ không tin không nhận. Làm cho đức Thế-Tôn phải hao sức nhọc lòng, hơn bốn mươi năm dùng đủ phương-tiện uốn nắn đào thải.
Ðến nay căn-tánh của chúng hội đã thuần-thục, mà cơ-duyên giáo-hóa của Thế-Tôn cũng sắp xong, cho nên trong hội Pháp-Hoa này, đức Thế-Tôn thổ-lộ bổn-hoài khai trừ cả ba quyền-giáo ngày trước, để hiển nhứt-thừa chơn-thật, Trưởng-giả gia nghiệp giàu lớn, chính là dụ cho pháp nhứt-thừa viên diệu của hội Hoa-Nghiêm. Hàng Thinh-văn chỉ nhận ứng thân
Thích-Ca Mâu-Ni Phật là chơn, mà chẳng biết chính còn có chơn Phật. Chỉ thấy cõi uế-độ Ta-bà đáng nhàm mà không thể đạt được chơn-cảnh thật-tướng. Vì
thiên-nhận thiên-kiến như thế nên khư khư một mực nắm chặc chỗ chấp sanh-diệt, cùng niệm cho tịnh-uế không chịu rời bỏ, bởi do không đạt lý 'duy tâm sở hiện' nên đến đổi thế đó.
Sắp sửa nói kinh này, đức Thế-Tôn trước phóng quang-minh soi suốt mười tám nghìn thế-giới phương-đông, chỉ toàn chơn cảnh của pháp giới chính là trong hàng ngày của chúng-sanh chớ không đâu khác. Cảnh trí này không phải dùng tâm-tư mà có thể đến được, nên liền sau đó, đức Thế-Tôn từ tam-muội dậy, lại dùng ngôn-thuyết phương-tiện, nhiều cách chỉ bày. Trong đại-chúng đều tin tự bổn-tâm, đức Thế-Tôn liền thọ-ký làm Phật cho cả. Ðúng như trong kinh Hoa Nghiêm nói: 'Lúc mới phát
tâm biết tất cả pháp chính là Tâm-Tự-Tánh, Thành-tựu Huệ-thân tỏ ngộ chẳng do người khác'. Ðây chỉ mới rõ tự-tâm chơn, còn chưa đạt được tự-cảnh thật. Tâm cùng cảnh chưa dung-thông thời chưa phải chơn-nhơn thành Phật, còn thuộc về tri-kiến của chúng-sanh chớ chưa phải là tri-kiến của Phật. Các Phẩm trước đức Phật thọ-ký cho chúng-hội, đã khai hiển tâm-chơn, nên nói phẩm này để chỉ cảnh thật, để thị Phật-tri-kiến.
Trong phẩm này ý nghĩa rất xâu-xa, nếu không chính chắn tham cứu thời rất khó lãnh hội diệu chỉ. Ðem dung-hội với Hoa-Nghiêm lại càng rõ quy thú trong phẩm này thật là thâm-huyền vậy.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
Đại Sư
Hám Sơn, Giảng Giải
Hòa Thượng
Thích Viên Giác, Việt dịch
Phẩm Kiến Bảo Tháp Thứ
Mười Một
Đại ý phẩm này là trình
bày “ Thị Tri kiến Phật”, để hiển thị pháp thân thường trụ của Như Lai. Chỉ thẳng
cảnh thật Tịnh độ thật báo, muốn cho chúng sinh biết đây là cảnh giới của pháp
thân, mới là Tri kiến Phật. Trước chỉ trình bày về mặt ngôn từ nay chỉ rõ cái
thật sự. Cho nên phẩm này nói riêng chữ “ Thị”.
Chỉ vì pháp thân chơn cảnh
này mà đầu kinh trình bày vì phóng hào quang chiếu thấu phương Đông. Ở trong đó
hiện rõ pháp giới, sự tướng, chúng sinh và Phật, chỉ chung diệu dụng của tâm cảnh
chúng sinh. Do chúng đương cơ chưa giác ngộ được diệu tâm, nên dùng tình thức
suy lường. Đó gọi là “ Tình sinh thì trí cách xa” nên không chứng đạt được thực
tại trước mắt, mà cho rằng không phải phần trí tuệ của mình.
Hôm nay nhờ Đức Như Lai
nhiều lần khai thị, chúng hiện tiền đã tin lời Phật, tự biết mình có thể thành
Phật, đều được thọ ký. Nhưng dù đã tin ở tự tâm, mà chưa tin cảnh thật tướng,
do kiến thức sinh diệt chưa quên, chấp thủ sạch dơ chưa mất. Cho nên Đức Thế
Tôn đến lúc này sắp hiển lộ pháp thân thường trụ. Vì vậy tháp bảy báu từ dưới đất
vọt lên, toàn thân Đức Đa Bảo Như Lai xuất hiện để đoạn trừ tri kiến sinh diệt.
Tức là nơi cõi Ta bà này đã ba lần biến thành tịnh độ để trừ bỏ tâm chấp thủ
thanh tịnh hay ô nhiễm. Hơn nữa mười phương chư Phật đầy đủ trong đó (cõi Ta
bà), nói lên sự kiện mọi hạt bụi trong pháp giới, đều là thật tướng, là cảnh thật.
Đó là Tri kiến chân chánh của Phật. Cho nên phẩm này chỉ bày tri kiến Phật, lúc
thọ ký xong. Do vậy có phẩm này vậy.
Tháp cao 500 do tuần,
trong tháp có toàn thân Phật Đa Bảo chưa tan rã. Đó là biểu thị cho thân tâm 5 ấm
sinh diệt của chúng sinh, là nơi an nghỉ của pháp thân thường trụ. Ta bà ba lần
biến thành tịnh độ, biểu thị cho Hoa tạng thật báo trang nghiêm chơn cảnh,
không tách khỏi nghiệp dụng của ngũ trược. Đặc biệt ở đây, hiển lộ Tỳ Lô Giá Na
Y chánh thật báo trang nghiêm là một. Điều đó muốn cho chúng sinh biết về sự vi
diệu của tâm cảnh, có thể hiện ra trước mắt, không còn sợ hãi Phật đạo xa xôi nữa
ý dẫn quyền vào thựa là ở đây. Lấy gì để thuyết minh? Điều thuyết minh của Kinh
này là mở cửa phương tiện chỉ bày chân thật tướng. Chân thật tướng nghĩa là
gì?ø Đức Tỳ Lô Giá Na của ta nhiều kiếp tu nhân, chứng được pháp thân chân cảnh.
Nơi ở là cõi Tịch quang chơn độ, từ nơi pháp thân hiện ra báo thân ngàn trượng.
Cõi thật báo trang nghiêm là nơi ở của Phật Lô Xá Na mà thân tướng và quốc độ đều
chân thật. Đức Thích Ca từ Báo thân mà hiện Ứng hóa thân, cõi của ngài là cùng
với nhân dân chịu nhiều đau khổ, là cõi Ta bà đầy ô nhiễm. Thân thể hay quốc độ
đều giả. Khi thiết lập pháp thuyết đều dùng Quyền pháp gọi là cửa phương tiện.
Đức Lô Xá Na ban đầu mới
thành chánh giác, hiện thân ngàn trượng ngồi ở cội Bồ đề đạo tràng mà thuyết
kinh Hoa Nghiêm, hàng Nhị thừa ngồi nơi tòa như đui như điếc. Ở đây dù thân thể
và quốc độ đều thật, nhưng nếu vì dành riêng cho hàng căn cơ lớn thì hàng căn
cơ kém sẽ bị mất phần. Cho nên ngài nhập Sát na tế tam muội, cả hai đối tượng
cùng có mặt mà thuyết kinh Hoa Nghiêm không chướng ngại gì. Thị hiện ứng hóa
thân, tám tướng thành đạo. Ở vườn Lộc uyển phân biệt pháp Nhất thừa thành ba thừa
để tiếp dẫn hàng căn cơ thấp kém, nghĩa là dùng phương tiện trình bày Tứ Đế, Thập
nhị nhân duyên, Lục độ … nhiếp hóa cả ba hạng căn cơ. Tuy có dạy pháp Bồ tát,
nhưng đều thuộc về Quyền giáo, như vị Trưởng giả dẫn dụ các con hứa cho ba xe,
nhưng không thật có ba xe. Vậy pháp ấy chưa thoả mãn được bản nguyện của Phật,
vì các đệ tử chưa thấy được cảnh thật của pháp thân. Nên trong Kinh nói:
“Ta xưa lập thệ nguyện
Muốn tất cả chúng sinh
Được như ta không khác”
Ý muốn chúng sinh trực
tiếp chứng cảnh giới pháp thân của Như Lai, thẳng đến thật tại Hoa tạng trang
nghiêm mới hợp với bản nguyện của Phật. Nhưng hàng căn cơ kém, một mực chấp
pháp tạm thời là thật, không chịu bước tới, đối với lời Phật thuyết còn nghi. Đức
Thế Tôn phải mất bốn mươi năm dụng công, dùng các phương tiện đào thải, đến nay
được thuần thục. Hơn nữa hóa duyên của Phật sắp hết, nên ở pháp hội này thổ lộ
bản nguyện của mình, loại bỏ pháp tạm của ba thừa ngày xưa, hiển lộ pháp thật
nhất thừa.
Trong kinh trình bày ông
Trưởng giả giàu có, là để dụ pháp nhất thừa vi diệu của Hoa Nghiêm. Hàng Thanh
văn chỉ chấp nhận Phật Thích Ca ứng thân mà không biết còn có chân Phật; chỉ thấy
cõi ô nhiễm Ta bà đáng chán mà không đạt được thật tướng chân cảnh. Nên sinh
tri kiến sinh diệt, tình chấp thanh tịnh và ô nhiễm một mực không bỏ, không hiểu
được pháp do tâm mà hiện.
Khi sắp sữa nói kinh
này, trước hết Đức Phật phóng một đạo hào quang trắng chiếu khắp phương đông
18. thế giới thấy rõ cảnh thật của pháp giới, chính là trong đời sống hàng ngày
của chúng sinh. Đây không phải là đối tượng tư duy của tâm thức đạt đến, phải
dùng các phương tiện mà khai thị. Khi đại chúng đều tin ở tâm mình thì mọi nhười
đều được thọ ký thành Phật. Như lời dạy trong kinh Hoa Nghiêm: “ Lúc sơ phát
tâm biết tất cả pháp tức là tự tánh của tâm”, thành tựu trí tuệ không thể do
bên ngoài mà ngộ. Đây mới chỉ rõ chân tâm mà chưa đạt cảnh thật. Tâm và cảnh
chưa dung hòa nên chưa phải nhân tố thành Phật, còn thuộc tri kiến chúng sinh,
không phải tri kiến Phật.
Ở trước thọ ký là đã hiển
thị chơn tâm, nay nói phẩm này là hiển thị cảnh vi diệu. Chỉ thẳng trước mắt,
chứng minh hiện tại, nên đặc biệt chỉ rõ đây là tri kiến Phật. Như vậy lấy sự
kiện minh họa để rửa sạch tri kiến tiểu thừa tích tập từ trước. Chỉ có tu chứng
mới mãn nguyện bản hoài xuất thế của Phật.
Ý phẩm này rất sâu xa, nếu
không suy xét một cách tinh tế thì khó lãnh hội. Chỉ dung với thông quán lý của
Hoa Nghiêm, thì tự biết ý thú phẩm này.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Phật
tiền hữu” đến câu: “Cung kính tôn trọng” (Lúc bấy giờ trước Phật có… đồng cung
kính tôn trọng ngợi khen).
Đoạn này chỉ rõ Tri kiến
Phật.
“Tri kiến Phật” là cái
thấy biết của tự giác Thánh trí, cũng là cảnh thật nhất chân pháp giới. Chỉ có
pháp giới này là nhà ở của pháp thân còn Báo thân, hóa thân nương ở đây mà sinh
khởi. Chư Phật lấy đó làm Nhất thiết chủng trí, Báo thân đó mà thành Hoa tạng
trang nghiêm, hóa thân lấy đó làm thần thông diệu dụng. Chúng sinh vì mê lấy đó
làm thân tâm ngũ uẩn, nên vướng mắc 84000 trần lao phiền não. Người tu tâm nếu
không thấy rõ pháp giới nhất nguyên, thì đều đứng ngoài cửa, dừng ở nơi nhà cỏ
thì chẳng thực chứng. Cho nên đối với ba châu khai nói đã viên mãn, trước tiên
Phật cho bảo tháp xuất hiện để bày tỏ hiện tượng Tri kiến Phật. Do pháp thân
không có chỗ nương tựa nên lấy pháp giới làm chỗ nương tựa. Pháp giới là gì? Là
cảnh tịch diệt của tâm, bảo tháp là cảnh tịch diệt. “ Năm trăm do tuần”dụ cho
thân tâm ngũ uẩn của chúng sinh, là chân cảnh tịch diệt. “Chiều ngang rộng 250
do tuần” dụ cho tâm mê muội đối với pháp giới, tức thân tâm này không ra khỏi
hai mươi lăm cõi. “Từ đất vọt lên” là dụ cho tâm địa vô minh bị phá thì cảnh tịch
diệt xuất hiện, thì thân tâm ngũ uẩn vốn không thực có, nên gọi là “ Trụ ở giữa
hư không”
“Các thứ báu vật làm
trang trí” dụ cho pháp giới, vốn không đoạn diệt, mà có đủ hằng sa đức tính phù
hợp và thần thông diệu dụng. “Cao hơn tứ thiên” nghĩa là chẳng phải tứ đại có
thể nắm bắt. “Chư thiên rải hoa, tám bộ cúng dường” là dụ cho pháp giới này là
đối tượng kính trọng giữ gìn của hàng chư thiên, là đối tượng giữ gìn bảo vệ của
hàng Bát bộ, chẳng phải là nơi hoang vắng không người.
2. Từ câu: “Nhĩ thời Bảo
tháp trung” đến câu: “Như sở thuyết giả, giai thị chân thật” (Bấy giờ trong
tháp báu … như lời Phật nói đó điều chân thật.
Đoạn này nói về việc
trong tháp phát ra âm thanh để hiển thị ý nghĩa tịch diệt chứ không phải đoạn
diệt.
Lời khen ngợi “Lành
thay! Lành thay” … là ca ngợi Đức Thích Ca có thể xứng hợp bản thể pháp giới. Lấy
trí tuệ bình đẳng thuyết kinh Diệu pháp liên hoa này. Nói “Đúng thế, đúng thế”
là ấn chứng điều đã nói là rốt ráo như pháp giới, lời nói đó là lời chân thật,
chứng minh cho lời của Đức Phật từ trước đến nay không hư dối. Ở trước Thế Tôn
đối với đệ tử tự cho lời nói của mình là không hư vọng.
Nay âm thanh trong tháp
phát ra chứng minh Đức Thích Ca đã thuyết pháp tịch diệt. Ý muốn người ở ba thừa
tin chắc, lấy đây để xác định căn cơ đại chúng.
3. Từ câu: “Nhĩ thời tứ
chúng” đến câu: “Hiệp chưởng khước trụ nhất diện” (Bấy giờ bốn chúng … Chấp tay
rồi đứng một bên).
Đoạn này nói về cả bốn
chúng thấy bảo tháp đều mừng và lấy làm ngạc nhiên.
Vui mừng vì tháp thất bảo
bỗng nhiên xuất hiện ở giữa hư không, rất hiếm có nên vui mừng. Còn trong tháp
phát ra âm thanh rất lạ lùng. Nếu giác ngộ được âm thanh phát ra ở trong tháp,
thì tất cả âm thanh đều là tịch diệt. Đại chúng đều không biết tại sao tự nhiên
lại như thế. Cho nên chấp tay đứng chờ, mong Phật chỉ dạy.
4. Từ câu: “Nhĩ thời hữu
Bồ tát ma ha tát” đến câu: “Hựu ư kỳ trung phát thị âm thanh” (Lúc đó có vị đại
Bồ tát … ở lại trong tháp vang ra tiếng như thế).
Đoạn này nói về chúng
đương cơ (Bồ tát) thấy tháp, vì chúng có lòng nghi nên thưa thỉnh. Bồ tát Đại
Nhạo Thuyết là người thưa thỉnh. Do pháp là tịch diệt, là đạo ly ngôn. Nếu
không phải là nhạo thuyết (khéo nói) thì không nói được. Trong kinh Duy Ma Cật
nói: “Không nương nơi đường ngôn ngữ, cũng không chấp nơi vô ngôn, đó là nghĩa
Nhạo Thuyết”. Tháp không phải vô cớ mà xuất hiện, nên xin Phật nói lý do.
5. Từ câu: “Nhĩ thời Phật
cáo Đại nhạo thuyết Bồ tát” đến câu: “Tán ngưỡng thiện tai! thiện tai” (Lúc đó
Phật bảo ngài Đại nhạo thuyết Bồ tát … khen rằng: Hay thay! Hay thay).
Đoạn này nói về lý do bảo
tháp hiện ra.
Trong tháp có toàn thân
Đức Như Lai. “Tháp”ø dụ cho trong thân ngũ ấm của chúng sinh có toàn thân của Đức
Như Lai, đó có nghĩa là: “Huyễn hóa không thân tức pháp thân”. Trong king Lăng
nghiêm nói: “Như Lai tạng tự tánh thanh tịnh, chuyển ba mươi hai tướng vào
trong thân của tất cả chúng sinh, như Bảo châu vô giá được cột trong áo dơ” Nước
tên là Bảo tịnh, là hiện tượng Như Lai tạng ra khỏi sự trói buộc, và sự ô nhiễm.
Phật hiệu là Đa Bảo, Phật ấy lúc còn hành Bồ tát đạo đã có nguyện rằng sau khi
Phật diệt độ, ở trong mười phương, nơi nào có thuyết kinh Pháp Hoa, thì Bảo
tháp hiện lên để làm chứng cho. Do vì Đức Đa Bảo xưa kia nhờ Diệu pháp mà chứng
pháp thân, nên nơi nào thuyết kinh thì pháp thân tức hiện.
Ở trong pháp hội nghe
thuyết Diệu pháp, có thể khai Phật tri kiến, thì nơi thân tâm ngũ uẩn liền thấy
toàn thể pháp thân. Đây là hiện tượng làm chứng vậy.
Đức Phật ấy thành đạo rồi,
lúc sắp nhập diệt di chúc rằng: “Muốn cúng dường toàn thân Như Lai nên xây đại
bảo tháp”. Đó chính là muốn hiển bày pháp ly tướng diệt tướng, rốt ráo Niết
bàn. Từ câu: “ Đức Phật đó dùng thần thông” Đến câu: “Hay thay! hay thay”. Muốn
nói rằng tịch mà có thể diễn bày khắp mười phương, vì kinh này chính là toàn thể
pháp thân. Nếu Tri kiến Phật một khi khai mở, liền xuất hiện để làm chứng.
Ở trên là trình bày nhân
duyên của Phật Đa Bảo. Ngài Đại Nhạo Thuyết là tổng kết hiển thị duyên ngày
nay.
6. Từ câu: “Thị thời Đại
Nhạo Thuyết” đến câu: “Ngã đẳng nguyện dục kiến thử Phật thân” (Bấy giờ Ngài Đại
Nhạo Thuyết … chúng con nguyện muốn thấy thân của Đức Phật này).
Đoạn này trong pháp hội
xin được thấy thân Phật Đa Bảo ở trong tháp.
Pháp thân mà hiển hiện
tuy là nhờ trí lực của mình, vẫn cần nhờ oai thần của Phật. Cho nên mượn thần lực
của Phật để thỉnh.
7. Từ câu: “Phật cáp
Ngài Đại Nhạo Thuyết” đến câu: “Lễ bái cúng dường” (Phật bảo Ngài Đại Nhạo Thuyết
… lễ lạy cúng dường).
Đoạn này Đức Thế Tôn hứa
hẹn cho thấy và thuật lại bản nguyện của Phật Đa Bảo. Sắp sửa tập hợp các phân
thân để hiển thị ba thân đồng một thể. Chính là để phá sự chấp trước của hàng
Nhị thừa, chỉ chấp nhận hóa thân của Phật.
Từ câu: “Ngài Đại Nhạo
Thuyết” trở xuống, là Đức Thế Tôn đang tập hợp phân thân, đại chúng cũng mong
được thấy phân thân của chư Phật.
8. Từ câu: “Nhĩ thời Phật
phóng” đến câu: “Diệc phục như thị” (Bấy giờ Phật phóng … cũng lại như thế).
Đoạn này phóng hào quang
triệu chư Phật phân thân.
Lúc đầu sắp thuyết kinh
này, Phật nhập định vô lượng nghĩa xứ. Phóng một luồng hào quang trắng chiếu
cõi phương Đông 18. thế giới, biểu hiện đầy đủ sự tướng pháp giới, thỉ chung của
Phật và chúng sinh. Nêu lên một khía cạnh của pháp giới để hiển thị toàn thể Diệu
pháp. Ý trình bày sự ra đời của Phật, trước sau không ra khỏi sát na tam muội.
Việc thuyết pháp đều diễn ra trong hào quang. Ngài Văn Thù dẫn chứng việc xưa của
Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, để hiển lộ Tri kiến Phật. Muốn đại chúng được khai
ngộ mà đại chúng không ngộ, nên Đức Như Lai ra khỏi thiền định dùng phương tiện
nói, đó gọi là Khai phương tiện môn.
Đến khi dẫn chúng sự
thành Phật của Đức Đại Thông Trí Thắng, ban đầu nhập định, mười thế giới đều
sáng rực. Đó là khai Phật tri kiến. Hàng chúng sinh hạ căn dù ngộ được nhân
duyên xa xưa, nhưng chưa trực tiếp chứng chân cảnh thật tướng. Nên ba châu thuyết
pháp còn nặng về ngôn thuyết.
Nay đã nói một cách rộng
rãi rằng từ hiện tại đến tương lai, bất cứ người nào có nghe pháp, thì không ai
không thành Phật. Nhưng vẫn còn sợ hàng Tiểu thừa chấp tướng, tập khí chấp ngôn
ngữ chưa hết, tâm còn chấp sinh diệt, sạch, dơ nên khó đạt cảnh nhất chơn. Vì vậy
nhờ Bảo tháp vọt lên, Phật Đa Bảo hiện thân, hào quang triệu tập chư Phật ở mười
phương. Ba lần biến Ta bà thành tịnh độ, tức là qua năm uẩn thấy pháp thân. Hiện
trước mắt để chứng thực thật tướng. Chính là trình bày tri kiến Phật. Cho nên
phóng một luồng hào quang trắng, thấy được 500 muôn ức Hằng sa cõi nước của chư
Phật. Chữ: “Đẳng” là biểu thị cho chúng sinh trong ngũ đạo đều ở nơi cõi nhất
chân của chư Phật. Thấy chư Phật và Bồ tát thuyết pháp cho đại chúng là biểu thị
vọng tưởng rối loạn của chúng sinh nên Phật và Bồ tát thường diễn pháp âm.
Trong hào quang không hiện ra chúng sinh sinh tử, hay các việc cầu đạo của ba
thừa.v..v. Vì nay chứng trực tiếp pháp thân, gọi là dạy pháp cho các Bồ tát,
nên không đề cập đến các hạng người khác.
Nói rằng mười phương chư
Phật đều là phân thân của Đức Thích Ca, do Phật có ba thân, mà Báo thân và Hóa
thân đều từ pháp thân mà có, ở đây biểu thị ba thân là một, ý nói Đức Thích Ca
chính là Phật Đa Bảo, đó là biểu tượng Pháp thân và Hóa thân là một. Đó gọi là:
“ Phật thân sung mãn ư
pháp giới
Hiện nhất thiết quần sinh tiền
Tùy duyên phó cảm mỵ bất châu
Nhi hằng xứ thử Bồ đề tòa”
Nghĩa là:
“Thân Phật đầy khắp nơi
pháp giới
Hiện diện trước mắt các quần sinh
Tùy duyên cảm ứng không nơi nào không hiện
Mọi nơi mọi xứ đều Bồ đề tòa”
Nay phân thân đều tụ tập
cùng chứng minh Diệu pháp và hiển thị đạo lý tương đồng của chư Phật trong mười
phương, xưa và nay cùng một mối. Lời nói của Đức Thích Ca không hư dối. Ý hiển
bày tất cả cảnh giới tự hay tha nằm trên đầu một sợi lông. Mười đời xưa nay,
trước và sau không rời niệm hiện tiền. Đến như ba lần biến thành tịnh độ, đã
nói ý uế tức là tịnh, Ta bà là Hoa tạng. Trước mắt đều là thật tướng cảnh thật.
Vì vậy trong hào quang các quốc độ đều là trang nghiêm bằng thất bảo.
Ban đầu hiển thị bằng một
luồng hào quang, kế đến khai thị 3 châu, nay trong pháp hội này chỉ rõ tận cùng
Tri kiến Phật. Như vậy sử dụng hết thần lực của Phật để tuyên dương Phật tri kiến.
Đây gọi là ông Trưởng giả hội họp tất cả quốc vương, thân tộc để tuyên bố giao
hết gia nghiệp. Một đại sự nhân duyên tròn đủ nơi đây.
9. Từ câu: “Nhĩ thời thập
phương chư Phật” đến câu: “Như Lai bảo tháp” (Bấy giờ mười phương chư Phật …
tháp báu của Đa Bảo Như Lai).
Đoạn này mười phương chư
Phật, nương vào hào quang triệu tập sắp sửa hội họp.
10. Từ câu: “Thời Ta bà
thế giới” đến câu: “Di chư thiên nhân trí ư tha thổ” (Lúc bấy giờ cõi Ta bà.. dời
các trời người để ở cõi khác).
Đoạn này biến Ta bà
thành tịnh độ để tiếp đón phân thân của Phật, còn gọi là hiển thị chân thật tướng.
Nhất chân pháp giới vốn
không sạch hay dơ, chỉ tùy tâm mà biến hiện. Cõi Ta bà ô nhiễm vốn là Hoa tạng thế
giới, chỉ do ô nhiễm của chúng sinh tập hợp nên ô nhiễm dẫy đầy: đất, đá, cát
núi, cao thấp không bằng. Hàng Nhị thừa không đạt lý duy tâm, nên sinh ra vui,
buồn, nắm hay bỏ, do thấy ngoài tâm có pháp, nên một mực chấp thủ Niết bàn,
không khởi một tâm niệm độ sinh. Nên sợ chúng như lao ngục, gông cùm. Vìø chưa
thấy cõi ô nhiễm vốn thanh tịnh, chúng sinh vốn không.
Đức Như Lai trong pháp hội
này đặc biệt chỉ rõ Phật tri kiến, muốn chúng hội đạt được pháp giới bình đẳng
nhất chơn, biết rõ tâm và cảnh đều chân, thấu suốt thật tướng của pháp. Đó là
khai thị ba châu (Pháp, Dụ và Nhân duyên) là mở cửa phương tiện. Chúng sinh vì
bị vô minh che lấp chân tâm, ánh sáng trí tuệ chưa phát triển nên thấy lầm là ô
uế. Nay Đức Phật phóng hào quang chiếu khắp mười phương, hiển thị cảnh giới do
tâm, mở tri kiến Phật, mọi tâm niệm đều là Phật niệm, chính cõi uế thành cõi tịnh.
Kinh văn nói: “ Dung thọ phân thân chư Phật nên ba lần biến tịnh độ”.
Tịnh hay uế đều do tâm,
không nhờ vào ngoại lực, chỉ do hào quang chiếu rọi là liền biến đổi. chỉ rõ
cõi ta bà tức là thế giới Hoa tạng. Nên: “Lưu ly làm đất, cây báu trang
nghiêm…”. “Vì nhất chân bình đẳng không có các tụ lạc, xóm làng…” Nhập vào thần
thông đại quang minh tạng, nên “Đốt hương báu lớn”. Đây là căn bản cho chúng
sinh thành Phật nên: “Hoa rải khắp cõi đất”. Vạn hạnh đầy đủ, đều là pháp âm
nên gọi là “Lưới báu, linh báu treo giăng”. Chúng sinh vốn không nên “ Dời trời
người đặt ở nơi khác”. Nếu mở được Tri kiến Phật, thì ngay khi đó tình mất, trí
sáng thấy được thật tướng. Xưa trên hội Hoa Nghiêm hàng Nhị thừa như đui như điếc,
nay thì đã hiển hiện trước mắt. Đây gọi là hiển thị Tri kiến Phật vậy.
11. Từ câu: “Thị thời
chư Phật các tương” đến câu: “Do cố vị tận” (Khi ấy các Đức Phật đều đem … vẫn
còn chưa hết).
Đoạn này là phân thân của
chư Phật ở phương Đông đến pháp hội.
Chư Phật đến “ Đều đem
theo một đại Bồ tát làm thị giả”, là biểu thị cho Quả và Nhân khế hợp. “Cây báu
cao năm trăm do tuần”, “ Tòa báu cao năm do tuần” là ý nói rõ khai mở tri kiến
Phật, nghĩa là mỗi niệm Phật hiện mà không rời thân tâm ngũ uẩn.
“Chư Phật đều ngồi kiết
già nơi tòa báu này” Đó là không rời đương xứ. “ Biến khắp tam thiên đại thiên
thế giới mà phân thân của Phật Thích Ca trong một phương ngồi còn chưa hết”. Ý
là phân thân trùng trùng vô tận.
12. Từ câu: “Thời Thích
Ca Mâu Ni Phật” đến câu: “Chư thiên bảo hoa biến bố kỳ địa” (Bấy giờ Đức thích
Ca Mâu Ni … Các hoa trời báu rải khắp trên đất).
Đoạn này nói hai ba lần
biến thành tịnh độ, sắp mở rộng pháp giới chân cảnh.
Lần biến thành tịnh độ đầu
tiên, nghiệp chướng đã thông, biến Ta bà làm một cõi tịnh độ, chỉ dung chứa
phân thân của Phật ở phương Đông, đầy khắp trong đó, giống như không chỗ để chứa
một cây kim, còn không thể chứa hết. Chỉ là Phật một phương mà đã dư, mà cảnh
toàn nước thì không đủ, đủ biết phân thân rất nhiều. Nay ngoài cõi Ta bà, tám
phương lại biến 200 muôn ức Na do tha quốc độ, đều làm cho thanh tịnh. Đây là cảnh
không chỉ cho một cảnh Ta bà vậy.
Hỏi: Trong Hoa tạng thế
giới, riêng cõi Ta bà là uế độ do có ba ác đạo uế ố đầy đủ, ngoài ra cõi Phật
khác đều thanh tịnh. Nay ngoài cõi Ta bà, các quốc độ được biến đều có ba đường
ác và nhân thiên. Hơn nữa giấu ác đạo, trời người, giống như cõi Ta bà cùng một
cõi. Trước đã biến chung rồi và chư Phật phương Đông đã đầy đủ rồi, nay lại ba
lần biến nữa, thật quả là cõi nào?
Đáp: Ý này rất sâu, ở
đây muốn chỉ cho pháp giới vô biên, vọng duyên của chúng sinh vô tận vậy. Nhưng
một cõi Ta bà, là cảnh giáo hóa của Đức Thích Ca, thường nói là Tam thiên đại
thiên thế giới mà thôi. Quan sát kỹ ngài Mãn Từ Tử được thọ ký lấy Tam thiên đại
thiên thế giới làm một Phật độ, do đó mới biết cõi Ta bà chẳng phải chỉ có một
Tam thiên đại thiên mà thôi. Vì chúng sinh mê muội về bản thể chân tâm nên tất
cả thành là vô minh vọng tưởng. Do mê mà biến ra mê nên toàn pháp giới thành
chúng sinh giới. Đâu chỉ một cõi Ta bà mà có thể dung chứa hết sao! Điều đó gọi
là “Hằng sa đẳng tam muội đại thiên chung làm một cõi” là vậy. Tuy nhiên tùy
cái nhìn mà có một cõi. Hoa tạng có nhiều tịnh độ thông nhau, tùy theo cấp độ
thanh tịnh của Phật và Bồ tát mà thấy. Vì chính mê mà ngộ nên chính uế mà tịnh,
do vọng tâm của chúng sinh nên đối tượng tịnh thành uế.
Nay làm cho chúng sinh
khai Phật tri kiến là mê mà trở lại ngộ, tức là từ vô lượng kiếp đến nay sinh tử
vọng tưởng, giờ đây một niệm chuyển hóa thành Trí dụng của Phật. Như Đức Thích
Ca, các phân thân từ 10 phương tụ hội về. Do vọng tưởng vô tận nên Phật cũng vô
biên. Cảnh tùy tâm biến, nên chơn tâm đã chuyển thì chơn cảnh cũng chuyển theo.
Ngoài cõi Ta bà tám phương lại biến thành 200 vạn ức Na do tha cõi nước. Sắp mở
rộng dung lượng pháp giới. Nhưng ở đây chỉ chuyển từng phần chứ chưa chuyển
toàn bộ, nếu chuyển toàn phần thì làm gì có phương hướng và số lượng.
Ở đây lấy vô lượng vọng
tưởng chuyển làm Phật trí, tức nói Phật thì nhiều mà cảnh lại hẹp, một cõi Ta
bà có thể chứa hết sao! Nhưng ba lần biến, trong Kinh nói: “Vì chư Phật sẽ đến
ngồi” hơn nữa tám phương đều biến thành hai trăm muôn ức.v..v.. Do vậy mà biết
chúng sinh đã khai Tri kiến Phật, tức vọng tưởng vĩnh viễn đoạn trừ. Từ nay mỗi
niệm đều là chư Phật hiện tiền, đó gọi là “ Chư Phật sẽ đến ngồi”.
Hỏi: Đã nói mê muội pháp
giới, nay đã khai ngộ, tức một lúc chuyển tất cả. Sao lại cần ba lần biến tịnh
độ tuần tự như thế?
Đáp: Đây chính là nói rõ
Đức Như Lai có đại phương tiện dẫn nhiếp chúng sinh. Vì chúng sinh ô nhiễm quá
nặng không thể thấy ngay toàn thể pháp giới, nên thiết lập tam thừa, dẫn họ tiến
dần. Nhưng những người chấp vào pháp quyền nhận thức hẹp hòi, nên Đức Như Lai
không muốn vội đem cái toàn thể chỉ cho họ. Đó gọi là nếu nói việc này tất cả sẽ
nghi sợ, e rằng họ sợ mà không tin. Cho nên phải thuyết vô lượng phương tiện để
dẫn đạo. Nay tuy tin tâm Phật mà chưa thấy thật tướng chân cảnh nên ba lần biến
tịnh độ để biểu thị cho: Lần thứ nhất biến Ta bà, hàng nhị thừa một mực chỉ thấy
ba cõi sinh tử đáng sợ, sinh tâm nhàm chán và mong cầu Niết bàn, không dám trở
lại Ta bà, đây là tri kiến chúng sinh. Nay chỉ rõ Ta bà tức là tịnh độ để phá
tâm vui, buồn, nắm, và buông bỏ của Nhị thừa. Kế đến ở nơi tám phương biến một
lần nữa, là dẫn nhị thừa hướng về pháp giới, muốn họ bỏ pháp tạm theo thật
pháp. Trước là đến Bảo sở không sinh tâm thối lui. Kế đến là chư Phật sẽ đến ngồi,
nên tám phương biến hai trăm vạn ức.v..v. Là dẫn đạo Quyền giáo Bồ tát nhập cứu
cánh Phật tuệ. Nay vì hàng tam thừa kiến giải hẹp hòi nên chỉ trình bày sơ lược
một phần mà thôi, đâu có thể nêu hết toàn thể đại dụng được! Do đây mà biết
ngoài việc biến tịnh độ là không thể nghĩ bàn, còn là công đức của chư Phật là
vô lượng vô biên. Trí tuệ của chư Phật rất sâu không đo lường nổi.
Trước đã nói cửa Trí tuệ
của Phật khó hiểu khó vào, nếu không nhờ Đức Như Lai khéo léo khai thị thần lực
rộng lớn, lấy việc của Phật Đa Bảo chỉ bày cho thì cánh cửa Trí tuệ rốt cuộc
khó hiểu, khó vào. Như nay việc biến tịnh độ và tập hợp chư Phật, hàng nhị thừa
do đâu mà hiểu biết? Đây chính là chỗ hiển thị rõ tri kiến Phật vậy. Nhưng quốc
độ được biến ra đều gọi là: “Hoa quý rải khắp mặt đất”. Chỉ rõ Tri kiến Phật
này, để làm chánh nhân thành Phật.
13. Từ câu: “Nhĩ thời
đông phương” đến câu: “Chư Phật khiển sử diệc phục như thị” (Bấy giờ ở phương
đông… các Đức Phật sai người đến cũng như vậy).
Đoạn này nói chư Phật ở
phương đông phân thân đã tụ hội thì mười phương chư Phật tuần tự vân tập pháp hội.
Ngoài cõi Ta bà, hai ba
lần biến hai trăm muôn ức Phật độ, cho nên tám phương là 400 muôn ức Phật độ.
Như vậy đã biến đủ khắp, ý nói thân Phật đầy đủ mọi cõi vô tận. Chư Phật ở dưới
cây báu đều ngồi trên tòa sư tử, đều sai thị giả thăm hỏi Phật Thích Ca. Các Phật
chưa đích thân gặp vì pháp thân không có bỉ thử không trao đổi mà thấy nhau.
Nói: “Đều mang hoa báu đầy tay cúng dường Phật” là hiển thị Diệu pháp này là
chân nhân thành Phật. Lời thăm hỏi, là ý thấy Đức Thích Ca thị hiện cùng nhân
dân đồng bịnh.
14. Từ câu: “Nhĩ thời
Thích Ca Mâu Ni Phật” đến câu: “Cập Thích Ca Mâu Ni Phật thượng” (Bấy giờ Thích
Ca Mâu Ni Phật … và Phật Thích Ca Mâu Ni).
Đoạn này Đức Thích Ca mở
bảo tháp để trình bày pháp thân xuất hiện.
Thân Phật như hư không
nên Đức Thế Tôn muốn mở bảo tháp cũng phải ở tại hư không, đây biểu tượng cho
pháp thân cùng một thể. Lấy ngón tay phải mở cửa tháp bảy báu, biểu thị cho
khai phát tự tánh không nhọc sức. Như người mở khóa cửa thành lớn, nhiều kiếp
kiên cố bởi vô minh vọng tưởng, bỗng nhiên tan rã, pháp thân hiển hiện. Thiền
tông gọi là chợt một tiếng vang vậy. Chúng hội đều thấy toàn thân Đa Bảo Như
Lai không rã, như nhập thiền định. Biểu thị cho tự tánh chúng sinh khai phát,
ngay nơi thân tâm năm uẩn này mà thấy toàn thể pháp thân. Tâm cảnh hiển hiện
ngay đó là tịch diệt.
Vì nghe kinh này mà đến
đây, nghe nói về Diệu pháp phù hợp với pháp thân vi diệu. Chúng hội vui mừng rải
hoa là biểu thị cho chân nhân vậy.
15. Từ câu: “Nhĩ thời Đa
Bảo Phật” đến câu: “Giai tại hư không” (Lúc đó Đức Đa Bảo Phật … đều ở hư không).
Đoạn này Đức Đa Bảo chia
tòa ngồi cho Đức Thích Ca vào tháp ngồi chung, biểu thị cho thân duyên sinh năm
uẩn của Phật cùng pháp thân đồng thể, biểu tượng chân lý bất nhị.
Đại chúng thấy hai Đức
Như Lai suy nghĩ rằng tòa Phật quá cao, chúng hội muốn ở trên hư không ấy; biểu
thị cho hàng nhị thừa đến Phật đạo, thấy xa nên sợ. Nay Tri kiến Phật đã mở thì
thấy đúng là xa mà không xa, nên đều xin đến gần, biểu thị cho Phật địa có thể
hạn kỳ. Đức Phật dùng thần lực tiếp đại chúng ở hư không là biểu thị cho nhị thừa
nếu không nhờ thần lực của Phật dùng phương tiện tiếp dẫn thì không có cơ hội
tiếp cận với trí tuệ Phật. Công đức tiếp dẫn bốn mươi năm đến nay, đâu phải
duyên nhỏ!
16. Từ câu: “Dĩ đại âm
thanh phổ cáo” đến câu: “Phó chúc hữu tại” (Rồi dùng tiếng lớn mà khắp bảo …
phó chúc cho có người).
Đoạn này nói việc hộ niệm
phó chúc.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
là pháp được Như Lai hộ niệm, người nào thọ trì kinh thì được Phật hộ niệm. Nếu
có người thọ trì, thì pháp này có nơi phó chúc.
Bổn hoài của Như Lai xuất
hiện ở đời, vì một đại sự là việc này mà thôi, nếu pháp này có chỗ phó chúc thì
đại sự mới thành. Kinh nói rằng: “Chẳng bao lâu sẽ vào Niết bàn” là như ông Trưởng
giả sắp mất nếu có người con giao phó gia nghiệp thì chí nguyện được hoàn tất.
Do đó mà thấy Phật tổ độ người có thể đi thẳng đến bờ pháp thân, nếu đi thẳng
lên pháp thân được thì Phật chưa xuất thế, tổ chưa đến từ Tây, đã nắm lấy,
không chờ ngày nay.
17. Từ câu: “Nhĩ thời Thế
Tôn dục trùng tuyên” đến câu: “Tự thuyết thệ nguyện” (Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn
tuyên lại … nên tự nói lời thệ).
Từ câu: “Đấng thánh chúa
Thế Tôn” trở xuống 10 câu, nói Đức Đa Bảo khuyến khích chúng hội, ý ở chỗ có
người phó chúc. Từ câu: “ Phật kia bổn nguyện rằng” trở xuống 4 câu, nói về bổn
nguyện của Phật Đa Bảo. Từ câu: “ Lại vô lượng các Phật” trở xuống 12 câu, nói
về các hóa thân Phật tụ hội làm chứng cho Diệu pháp, muốn pháp trụ lâu ở đời. Từ
câu: “ Ta vì các Phật ngồi” trở xuống 4 câu, là nói ba lần biến tịnh độ. Từ
câu: “ Các Đức Phật mỗi mỗi” trở xuống 18 câu, là nói chư Phật tụ hội xong mọi
người vui mừng vì dung nhan thanh tịnh đẹp đẽ của các Phật, như hoa sen trong hồ,
ánh sáng chiếu đẹp như ánh đuốc trong đêm tối. Hương thơm tỏa khắp, chúng sinh
xúc chạm tâm sinh hoan hỷ, tinh thần khoan khóai như gió lớn thổi cành cây nhỏ.
Nói lật, nghiêng, ngữa, tức vui mừng không tự chủ được. Chư Phật đến với oai
nghi như vậy làm cho Diệu pháp trụ lâu ở đời. Từ câu: “Nói cùng hàng đại chúng”
trở xuống 14 câu, là nói cầu người thọ trì pháp. Người có thể hộ trì pháp nên tự
mình phát nguyện, thì Đức Đa Bảo cùng Ta và các hóa Phật chứng minh cho. Câu: “
Các hàng Phật tử thảy” xuống 20 câu, là lại cầu người có khả năng trì Kinh, thì
người ấy thấy Ta bà và cúng dường Phật Đa Bảo cùng các Hóa Phật. Sở dĩ ba lần cầu
người Trì kinh là muốn nói khai mở Tri kiến Phật quý ở chỗ Trì (giữ gìn) để chủng
tử Phật không mất. Nếu coi là tầm thường tức phụ nhân duyên lớn của Như Lai hôm
nay. Trì kinh là phải dạy phát nguyện. Do cõi đời ô trược khó giữ gìn, muốn có
niềm tin kiên cố, khi gặp duyên không sinh tâm thối lui. Nên ở dưới nói rằng đó
rất khó. Từ câu: “ Các thiện nam tử này” trở xuống 8 câu, nói phải suy nghĩ kỹ
kinh này rất khó trì, không như các kinh khác dễ hơn. Cẩn thận chớ coi nhẹ, phải
phát nguyện rồi mới thọ trì. Từ câu: “Hoặc đem núi diệu cao” trở xuống 16 câu,
là nói sự khó của việc thuyết kinh. Nếu lấy tay cầm núi Diệu cao, lấy ngón tay
lay động đại thiên vốn là việc khó làm mà người có thần thông có thể làm được.
Chư thiên trời Hữu đãnh có trí tuệ siêu việt nhưng người có Tuệ biện tài có thể
vượt hơn họ. Chỉ có Kinh này ở trong đời ác rất là khó nói. Do vì nhiều người tệ
ác, nhiều oán đối khó mà tin. Từ câu: ”Giả sử lại có người” trở xuống 8 câu, là
nói biên chép khó, như hư không khó nắm bắt Trong kinh Lăng Nghiêm khi ngài
Anan đã giác ngộ, thấy mười phương hư không như nắm chiếc lá trong tay ; do vậy
hư không có thể nắm bắt được. Nếu người trì kinh này đạt được ly ngôn tịch diệt
thì đâu cần biên chép gì! Từ câu: “Hoặc đem cả cõi đất” trở xuống 8 câu, là nói
đọc tụng khó. Đại địa rất nặng, phạm thiên rất cao, móng chân rất nhỏ. đặt đại
địa trên móng chân mà đi lên cõi phạm thiên, đối với người có thần thông lớn
không khó. Nhưng ở trong đời ác mà đọc tụng kinh này mơí thật là khó. Từ câu:
“Giả sử gặp kiếp thiêu” trở xuống 8 câu, là nói giữ gìn khó, vác cỏ khô đi vào
biển lửa mà không cháy chưa phải là khó. Nhưng vì chúng sinh trong đời ác,
trong lửa phiền não mà có thể trì kinh này đó mới là khó. Từ câu: “Hoặc người
trì tám muôn” trở xuống 12 câu, là nói nghe khó. tám vạn bốn ngàn pháp môn đều
dùng văn tự, mà diễn giảng sao cho là khó? Riêng thật tướng của kinh, ý nghĩa
vô lượng mà nghe được là điều khó vậy. Từ câu: “Hoặc có người nói pháp” trở xuống
12 câu, là thực hành khó. Nếu có người giỏi thuyết pháp làm cho người nghe đắc
quả A La Hán có sáu thần thông, việc này không khó. Có thể trì kinh này mà đắc
quả Bồ đề mới là khó. Từ câu: “Ta vì hộ Phật đạo” trở xuống 8 câu, là nói lý do
vì sao mà khó. Nói rằng ta từ khi thành Phật đến nay, ở nơi vô lượng cõi, thuyết
kinh cũng vô lượng, đều tùy cơ mà thuyết. Riêng kinh này khai thị Phật tánh nhất
thừa, nếu người nào thọ trì thì mau chứng quả Bồ đề, nên kinh này là đệ nhất.
Thường trì kinh này là giữ gìn toàn thân của Phật tuệ mạng không dứt. Nếu không
phải là hạng đại căn, sức nhẫn kiên cố thì rất khó mà hành trì. Từ câu: “Các
thiện nam tử này” trở xuống 6 câu, là làm cho người thọ trì phát lời thệ nguyện,
muốn họ có được nguyện lực kiên cố. Trên đây bài tụng nói chung về sự khó trì
kinh.
18. Từ câu: “Thử kinh
nan trì” đến câu: “Giai ưng cúng dường” (Kinh pháp đây khó trì… Đều nên cúng dường
đó).
Đoạn này nói kinh khó
trì mà trì được, nên ta và chư Phật ngợi khen.
Tuy nhiên Trì kinh này
không phải ở nơi giấy mực, văn tự. Quan trọng là được ý mà quên lời, thì khế hợp
Phật tâm, gọi là dũng mãnh tinh tiến. Đó mới là tổng trì muôn hạnh, phiền não
tiêu hết. Đó còn gọi là người trì giới, bậc đầu đà. Không cần trải qua nhiều kiếp
mà chứng Phật địa. Từ câu: “Có thể ở đời sau” trở xuống 8 câu, là nói dựa vào
trên mà được lợi ích. Ở đời ác mà có thể thọ trì kinh gọi là chân Phật tử. Có
thể giải nghĩa kinh này, đó là mắt sáng của cuộc đời, vì khai Tri kiến Phật vậy.
Từ câu: “Ở trong đời kinh sợ” trở xuống 4 câu, là kết rằng người có thể thuyết
kinh này, nên cúng dường như Phật.
Hỏi: Đức Đa Bảo chứng
minh Diệu pháp, các hóa Phật tụ hội rồi, Đức Thế Tôn lại không nói gì khác, chỉ
lấy việc trì kinh, nói khó khăn nhiều lần là vì sao?
Đáp: Do đối với tri kiến
Phật chúng sinh mê muội đã lâu, xa hơn nữa là từ kiếp Đức Đại Thông Trí Thắng
điểm mực đến nay, một hướng mê không đạt ngộ. Đã phí sức của Phật đời đời kiếp
kiếp đi theo mà giáo hóa, nghiệp chướng trải qua vô lượng bất khả tư nghì số kiếp.
Cho đến ngày nay còn phải vất vả thêm bốn mươi năm dùng phương tiện khai thị.
Trước mắt tin hiểu có được mấy người? Đây là Phật pháp khó gặp như vậy. Nay đã
khai thị nếu không cố gắng giữ gìn Diệu pháp, sợ rằng một mai mất đi, không biết
phải trải qua đời kiếp nào nữa được nghe kinh này. Nếu pháp này mất đi thì chủng
tử Phật đoạn diệt, đâu phải duyên nhỏ! Như ông Trưởng giả giàu có, sáng lập gia
nghiệp gian nan, cần khổ nhiều đời mới có gia nghiệp giàu có. Nếu không có con
để giao phó giữ gìn, nếu một mai mất đi khó tạo dựng được như xưa. Đây là lý do
Đức Thế Tôn nhắc lại nhiều lần khuyên gắng thọ trì là ý này vậy.
Mười phẩm ở trước là
khai thị Tri kiến Phật, nói chung là Tín giải. Cho nên các phẩm sau phần nhiều
nói đến công đức trì kinh để hiển thị ngộ tri kiến Phật. Khi đã ngộ rồi giữ gìn
được là rất khó vậy.
Comments
Post a Comment