NGÀY
8 THÁNG 12 ÂM LỊCH
VÍA
PHẬT
THÍCH - CA THÀNH ĐẠO
TÁM TƯỚNG THÀNH ĐẠO
Theo Đại-thừa là:
1. ĐÂU SUẤT GIÁNG THẦN
2. NHẬP THAI
3. TRỤ THAI
4. ĐẢN SANH
5. XUẤT GIA
6. THÀNH ĐẠO
7. CHUYỂN PHÁP LUÂN
8. NHẬP NIẾT BÀN
Thuyết “Tám tướng thành đạo” theo Đại-thừa là: Đâu-Suất giáng-thần, Nhập-thai, Trụ-thai, Đản-sanh, Xuất-gia, Thành-đạo, Chuyển-pháp-luân và Nhập niết-bàn.
Trong tám điều nầy, Tiểu-thừa thêm tướng Hàng-ma mà không lập tướng Trụ-thai, vì cho trụ thai gồm trong thác thai (NHẬP THAI); còn Đại-thừa thì không lập tướng Hàng-ma, vì biết rõ ma chính là Phật.
1. ĐÂU SUẤT GIÁNG THẦN
Hộ-Minh Bồ-Tát từ nơi pháp hội của đức Ca-Diếp-Thế-Tôn, giữ gìn cấm giới, phạm hạnh trong sạch, sau khi mạng chung, chánh niệm sanh lên cõi Đâu-Suất-Đà-thiên.
Sau khi vãng sanh, Bồ-Tát trụ nơi nội-viện thiên-cung. Các cung điện ở cõi Đâu-Suất ánh sáng huy hoàng, sự trang nghiêm tốt đẹp vô lượng vô biên. Đó đều do sức công đức oai thần của Hộ-Minh đại-sĩ mà tự nhiên hóa hiện. Các Đại-Phạm-thiên-vương và hàng A-tu-la oai đức lớn, đều vân tập nơi cung trời Đâu-Suất, vây quanh Bồ-Tát, thưa thỉnh pháp âm. Vô lượng chúng-sanh khi sanh lên cõi Đâu-Suất, thấy sự vui ngũ dục nhiệm mầu, phần nhiều đều mê nhiễm, không nhớ bản nguyện và hạnh tu đời trước. Bồ-Tát tuy thấy cảnh ngũ dục thắng diệu, song vẫn không mê hoặc, lại nhớ đến nhân duyên của mình vì dẫn dạy chúng-sanh nên mới ứng hiện nơi cõi nầy. Thọ mạng của chư thiên cõi Đâu-Suất đến bốn ngàn năm. Bồ-Tát vì hàng chư thiên ấy thuyết pháp giáo hóa, chỉ rõ pháp tướng, khiến cho đại chúng đều hoan hỷ.
(Kinh Phật-Bản-Hạnh)
Khi vận kỳ gần đến, sắp phải giáng sinh thành Phật, Bồ-Tát quán sát năm việc:
1. Căn duyên của chúng-sanh đã thuần thục hay chưa?
2. Đã đến thời kỳ hóa độ chưa?
3. Trong châu Diêm-Phù-Đề, quốc độ nào ở chính giữa?
4. Trong các chủng tộc, tộc tánh nào quí thạnh?
5. Về nhân duyên quá khứ, ai là bậc chân chánh, đáng làm cha mẹ mình?
Sau khi quán sát năm việc ấy xong, Ngài biết rõ: Hiện nay các chúng-sanh do mình giáo hóa từ khi mới phát tâm, thiện căn đã thuần thục. Đã đến thời kỳ những kẻ hữu duyên có thể lãnh thọ pháp mầu thanh tịnh. Trong cõi Đại-thiên-thế-giới nầy, nước Ca-Tỳ-La-Vệ ở giữa châu Diêm-Phù-Đề. Trong các chủng tộc, có họ Thích-Ca thuộc dòng Cam-Giá là quí thạnh nhất. Về nhân duyên quá khứ, Bạch-Tịnh-Vương và Ma-Gia hoàng-hậu là bậc hiền lương chân chánh, có thể làm cha mẹ mình.
(Kinh Quá-Khứ-Hiện-Tại-Nhân-Quả)
2. NHẬP THAI
Bấy giờ, Hộ-Minh Bồ-Tát xem xét con bạch tượng ở cõi trời, thấy nó mạnh mẽ vững vàng như sư tử chúa; cưỡi tượng vương nầy giáng sinh, tất không còn có sự rối loạn sợ hãi, tâm được an điềm. Ngài day lại bảo chư thiên rằng: “Các vị nên biết, đã đến giờ ta giáng sinh. Đây là lần thọ thân sau rốt của ta”.
Khi ấy nơi thành Ca-Tỳ-La, Ma-Gia hoàng-hậu trong giấc mơ, thấy có một vị Bồ-Tát cưỡi con bạch tượng sáu ngà, đầu voi ửng sắc đỏ, ngà trang nghiêm bằng vàng, từ hư không đi xuống, chun vào hông bên hữu của mình.
(Kinh Phật-Bản-Hạnh)
3. TRỤ THAI
Có những chúng-sanh, khi nhập thai không thể chánh niệm; hoặc khi nhập thai chánh niệm, khi trụ thai không thể chánh niệm, hoặc khi nhập thai, trụ thai đều chánh niệm, khi xuất thai không thể chánh niệm.
Lại các chúng-sanh khác, khi trụ thai hoặc có lúc ở bên trái, có lúc ở bên mặt, làm cho người mẹ chịu rất nhiều sự nhọc nhằn đau đớn. Bồ-Tát khi trụ thai thường ở bên mặt, không di động, không làm tổn đến người mẹ.
Các chúng-sanh khác, khi trụ thai tất bị nhiễm các thứ không sạch trong thân người mẹ. Bồ-Tát khi trụ thai, không có sự kinh sợ, không bị nhiễm chất dơ, ví như bình báu lưu ly được áo trời gói kín, dù đem để chỗ dơ cũng không bị ô nhiễm.
Các chúng-sanh khác khi trụ thai, người mẹ thường chịu sự nặng nề, nhọc mệt, thân thể không an. Bồ-Tát khi trụ thai, người mẹ thân không mỏi mệt, khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ đều được an vui.
Các chúng-sanh khác khi trụ thai, người mẹ hoặc làm những tạp hạnh, hoặc dục tâm hừng thạnh, hoặc thèm các mùi vị, hoặc tham lam bỏn xẻn, hoặc giận hờn độc ác, hoặc thân thể suy yếu, vàng võ gầy gò. Bồ-Tát khi trụ thai, người mẹ ưa giữ giới hạnh, không có lòng dục nhiễm, không tham đắm các mùi vị, ưa bố thí, hằng thương xót không làm tổn hại mọi loài, thân thể mạnh khỏe, dung sắc tươi vui.
Trên đây là những pháp vị tằng hữu của hàng Bồ-Tát.
(Kinh Phật-Bản-Hạnh)
4. ĐẢN SANH
Hoàng-hậu Ma-Gia mang thai đã gần đủ ngày tháng (bấy giờ bà đã 45 tuổi). Khi ấy, Thiện-Giác trưởng-giả (Anusàkya - A-Nâu-Thích-Ca) sai sứ qua thành Ca-Tỳ-La tâu với Tịnh-Phạn-Vương, xin y theo cổ tục đem con gái về quê ngoại là xứ Câu-Ly (Koly - Câu-Lợi) an dưỡng để chờ ngày sanh. Tịnh-Phạn-Vương y lời, sai quan Hữu-Tư sửa sang con đường từ thành Ca-Tỳ-La đến thành Đề-Bà-Đà-Ha (Devadaha - Thiên-Tý-thành) cho bằng phẳng, trừ bỏ gai góc, sạn đá, quét dọn sạch sẽ. Vua lại bảo quan quân thể nữ sắp đặt xe báu, rải hương hoa, tấu các thứ âm nhạc, đưa Ma-Gia phu-nhân về quê.
Trên quãng đường về, hoàng-hậu ghé vào vườn Lâm-Tỳ-Ni (Lumbini) để thưởng ngoạn mùa hoa đang nở. Trong vườn có cây Ba-la-xoa (Sala - Vô-ưu), tàn che rộng rãi, cành rủ thấp bốn bề, hoa lá chen nhau, sắc xanh tím cùng chói dưới ánh triều dương, lộ vẻ muôn phần xinh đẹp. Hoa của loại cây nầy có mùi hương thanh nhẹ, bay lan theo làn gió thoảng, làm cho người thần trí vui tươi. Hoàng-hậu dạo xem khắp nơi, rồi lần chẫm rãi bước đến cội Vô-ưu, ngước mắt nhìn lên, đưa cánh tay mặt từ từ vịn cành cây xuống.
(Kinh Phật-Bản-Hạnh)
Khi ấy, ánh sáng rực rỡ bốn bề, cõi đất rung động sáu cách, Ma-Gia phu-nhân đã đản sanh ra Bồ-Tát. Bấy giờ, trời Đế-Thích đem hoa sen rải theo lối đi. Bồ-Tát chân đạp hoa sen, nhẹ đi bảy bước, nhìn khắp bốn phương, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, xướng lên rằng: “Đây là thân sau rốt của ta. Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quí hơn cả”. Lúc đó, trên hư không Long-vương phun hai thứ nước: ấm và mát, để tắm gội cho Bồ-Tát.
(Tỳ-Nại-Gia-Tạp-Sự)
Tịnh-Phạn-Vương hay được tin ấy, liền nghiêm chỉnh đốn binh, cùng với quyến thuộc và một ức người Thích-chủng, đi đến vườn Lâm-Tỳ-Ni. Khi đến nơi, vua thấy Thái-tử tướng lạ trang nghiêm, vô cùng hoan hỷ!
Bảy hôm sau ngày sanh nở, hoàng-hậu Ma-Gia ly trần, sanh lên cung trời Đao-Lợi, hưởng phước tự nhiên, do bởi hoài thai Bồ-Tát công đức rất lớn.
(Kinh Quá-Khứ-Hiện-Tại-Nhân-Quả)
Thái-tử ở tại vườn Lâm-Tỳ-Ni đủ bảy ngày, rồi được đưa về thành Ca-Tỳ-La. Vua Tịnh-Phạn đặt tên cho Thái-tử là Tất-Đạt-Đa (Siddhàrtha - Nghĩa-Thành).
(Kinh Phương-Quảng-Đại-Trang-Nghiêm)
5. XUẤT GIA
Sau khi du ngoạn bốn cửa thành trở về, Ưu-Đà-Di thấy Thái-tử hằng trầm tư, sợ Ngài có quan niệm thoát tục, liền lựa dịp khuyên can: “Đại-vương dạy tôi làm bạn với Thái-tử, để có sự đắc thất thì khuyên nhủ cùng nhau. Mà đạo bằng hữu kết yếu lại chỉ có ba điều:
1. Nếu thấy có lỗi phải khuyên can nhau.
2. Thấy có việc tốt thì mừng cho nhau.
3. Gặp lúc nguy khổ, không rời bỏ nhau.
Nay tôi đem lời thành thật tỏ bày, mong Thái-tử chớ để tâm phiền trách: từ xưa đến nay, theo thông lệ, các bậc vương giả đều hưởng sự vui ngũ dục trước, rồi mới xuất-gia. Song đó chỉ là điều phụ, mà thật ra phần chính là: nhiệm vụ đối với việc trị nước an dân và bổn phận đối với gia đình, chủng tộc. Nay tôi xem ý Thái-tử dường như không thích con đường ấy, là bởi tại sao?” Thái-tử đáp: “Ta không bảo rằng thú ngũ dục không vui. Song thử hỏi: Các vị vương giả ấy bây giờ còn chăng? Và ở đâu? Hay là do say đắm theo dục lạc, gây nhiều nghiệp duyên tội chướng mà bị đọa lạc rồi? Ta không bảo việc trị nước an dân là không quan trọng, song địa vị quốc-vương dù không có người nầy, cũng còn lắm kẻ tài đức khác. Ta cũng không bảo tình nghĩa gia tộc là không thiết yếu, nhưng theo ý ta, đó là một tình thương và nhiệm vụ trong khuôn khổ nhỏ hẹp, sao bằng tình thương khắp cả sinh linh, nhiệm vụ cứu độ muôn loài thoát nẻo luân-hồi đau khổ?” Ưu-Đà-Di đem hết nguồn biện luận để khuyên ngăn, song rốt cuộc rồi cũng đuối lý.
(Kinh Quá-Khứ-Hiện-Tại-Nhân-Quả)
Sau khi suy nghĩ kỹ, muốn thoát khỏi nỗi khổ già, bệnh, chết, duy đường lối tu hành là có thể hy vọng, Thái-tử đã quyết chí xuất-gia.
Một hôm, thừa lúc Tịnh-Phạn-Vương vui vẻ, Thái-tử sửa y phục nghiêm chỉnh đến bạch rằng: “Thưa Phụ-vương! Giàu sang quyền thế, ngày kia sẽ hết; ân tình hội hợp, có lúc phải chia ly. Xin Phụ-vương cho con xuất-gia tu hành để độ thoát lấy mình, gia thuộc, và tất cả chúng-sanh”. Vua Tịnh-Phạn nghe nói, cả mình run rẩy, uất ức nghẹn lời, một viên đá bị chày Kim-cang đập nát thế nào thì tâm trạng buồn khổ, thất vọng, rã rời của ngài cũng như thế ấy! Vua cầm tay Thái-tử, lặng thinh giây lâu mới nói được một câu nho nhỏ: “Con nên bỏ ý kiến đó đi, đừng làm cho cha sầu não!” Thái-tử thấy Phụ-vương bi lệ không cho, bèn lạy chào trở về cung, âm thầm suy nghĩ phương pháp thoát ly.
Khi biết Thái-tử có chí xuất trần, vua Tịnh-Phạn cho quân ngày đêm canh giữ hoàng thành nghiêm nhặt. Ngài lại dặn công-nương Gia-Du-Đà-La và các nội quan trông chừng, nếu thấy Thái-tử có hành động gì khác thường, phải lập tức cho hay.
Một đêm, sau cuộc tiệc vui liên tiếp mấy hôm, tất cả đoàn âm nhạc ca vũ trong cung, cho đến công-nương Gia-Du-Đà-La đều mệt mỏi yên giấc. Riêng Thái-tử nằm trằn trọc không ngủ, Ngài suy nghĩ: “Ngày tháng chóng qua, tuổi xuân không trở lại, ta phải sớm thoát ly, không nên dần dà như thế nầy mãi”. Nghĩ đến đó, Ngài bỗng nghe văng vẳng có tiếng nói: “Những hạnh nguyện đã tu từ vô lượng kiếp đến nay, hiện đã tới thời kỳ thuần thục. Thái-tử nên mau xuất-gia, mọi việc đã có chúng tôi giúp đỡ”. Lúc ấy, công-nương Gia-Du-Đà-La bỗng chợt thức giấc, gọi Thái-tử nói với giọng đầy vẻ sợ hãi: “Thiếp vừa nằm mộng thấy liên tiếp ba điềm: Mặt trăng rơi xuống đất, gẫy một chiếc răng và rụng cánh tay mặt, không biết đó là triệu chứng gì?” Thái-tử an ủi: “Việc chiêm bao hư huyễn không thật, nàng hãy yên tâm nằm nghỉ”.
Đợi công-nương yên giấc xong, Thái-tử nhẹ bước ra ngoài, gọi kẻ hầu thân tín là Xa-Nặc (Chana) bảo thắng yên cương con bạch mã Kiền-Trắc đem đến, Xa-Nặc nghe nói kinh hãi, trong lòng dụ dự, nửa không dám trái lời vua dặn, nửa lại sợ oai lực Thái-tử, chỉ rơi nước mắt thưa: “Đang lúc giữa đêm, không phải giờ du ngoạn, cũng không phải vì đem quân ra ngăn giặc, chẳng hay có chuyện chi cấp thiết mà Đông-cung phải cần đến ngựa?” Thái-tử bảo: “Ta muốn vì tất cả chúng-sanh hàng phục giặc phiền não, ngươi chớ nên trái ý”. Biết không thể cưỡng được, Xa-Nặc sắp sửa yên cương, rồi thầy trò vượt ra thành. Do sức chư thần, nên quân canh gác đều ngủ mê man không hay. Con Kiền-Trắc chạy mau như gió, vừa lúc bình minh đã đến bờ sông A-Nô-Ma. Thái-tử xuống ngựa, cắt tóc, đem trân phục nơi thân đổi lấy bộ cà sa của người thợ săn dùng giả trang để bắn thú, hoàn thành hình tướng sa-môn. Xa-Nặc thấy thế, tỏ vẻ bi ai, quyến luyến! Thái-tử an ủi: “Ngươi chớ nên thương buồn, vì người đời có hợp tất có tan. Như khi ta mới sanh ra bảy ngày thì mẫu-hoàng đã mạng bạc. Rất đỗi mẹ con chí thiết, mà còn có lúc tử biệt vô thường, huống nữa là những tình trường riêng khác! Thôi ngươi hãy về đem ý ta thuật lại, nói ta có lời xin lỗi cùng phụ-hoàng, di-mẫu và tạm biệt công-nương”. Nói xong, Thái-tử xây mình chẫm rãi bước đi; Xa-Nặc đứng lặng lẽ trông theo cho đến khi Ngài khuất bóng.
(Kinh Quá-Khứ-Hiện-Tại-Nhân-Quả)
Lúc ấy, nhằm đêm mùng tám tháng hai, Thái-tử được 29 tuổi và đã có con là La-Hầu-La (Ràhula). (Tỳ-Nại-Gia-Tạp-Sự - theo Kinh Quá-Khứ-Hiện-Tại-Nhân-Quả thì Thái-tử xuất-gia lúc 19 tuổi; khi ấy công-nương Gia-Du mới có thai).
Vua Tịnh-Phạn hay con đã xuất-gia, liền cho năm người tôn thân là: Kiều-Trần-Như (Àjnàta - Kaundinya), A-Thấp-Bà (Asvajit - A-Thuyết-Thị), Bạt-Đề (Bhadrika), Ma-Ha-Nam (Mahànàma), Thập-Lực-Ca-Diếp (Dasabala Kàsyapa - Bạt-Đà) đi theo Thái-tử để làm thị-giả.
(Phật-Học-Đại-Cương)
6. THÀNH ĐẠO
Sau khi hỏi đạo các nơi, không vị nào thuyết minh cho được thỏa mãn, Thái-tử đi lần đến tụ lạc Ưu-Lâu-Bệ-La (Uruvelà), bên mé sông Ni-Liên-Thiền (Nairanjanà) thuộc miền Ðông-bắc Ấn-Độ. Kế đó, Ngài vào vùng phụ cận là Khổ-hạnh-lâm, tu chung với hàng ngoại-đạo tại núi Tượng-Đầu, trong thời gian sáu năm. Mỗi ngày Thái-tử chỉ ăn một hạt mè, một hạt đậu, thân thể gầy ốm đến đỗi chỉ còn da bọc xương. Trong sáu năm ấy, Ngài chống đối với các quân ma phiền não như: quân tham dục, quân ưu sầu, quân đói khát, quân ái nhiễm, quân hôn thụy, quân sợ hãi, quân nghi hối, quân sân hận, quân bi thương, quân tự cao, quân tà mạng... Trải qua thời gian dài tinh tấn khổ nhọc như thế mà vẫn không được gì, Thái-tử phát kiến hai xu hướng sai lầm: cuộc sống quá phóng túng, hoặc trái lại quá khắc khổ, đều không phải là phương tiện giải thoát. Nhân đó, Ngài xuống sông Ni-Liên-Thiền tắm gội sạch sẽ, và thọ bát sữa cúng dường của mục nữ Thiện-Sanh (Sujàta - Tu-Già-Đà).
Sau khi thọ thực trở lại, khí lực và dung sắc Thái-tử lần lần phục hồi. Năm người thị-giả thấy thế, tưởng là Ngài đã thối chuyển, liền bỏ đi qua xứ Ba-La-Nại-Tư (Bàrànasì). Thái-tử một mình đi đến xứ Phật-Đà-Già-Da (Buddhagayà), rải cỏ kiết tường làm tòa, ngồi kiết già nơi gốc cây Tất-bát-la (Pippala), mặt hướng về phương Ðông. Trước khi thiền định, Ngài phát thệ rằng: “Nếu không chứng được đạo Vô-thượng-bồ-đề, thì dù thân nầy có tan nát, ta cũng quyết không rời khỏi nơi đây”. Phát nguyện xong, Thái-tử yên lặng vào cảnh thiền tư trong vòng 49 ngày.
(Kinh Phương-Quảng-Đại-Trang-Nghiêm)
Đêm ấy, nhằm hôm mùng tám tháng chạp, sau khi hàng phục ma quân, Thái-tử ngồi lặng lẽ trong thiền định.
Vào khoảng canh hai, Ngài chứng được Túc-mạng-minh, thấy biết nghiệp nhân của mình và tất cả chúng-sanh nhiều đời về trước, từ việc làm lành làm dữ, cha mẹ quyến thuộc, giàu sang nghèo hèn, thọ yểu xấu đẹp, cho đến mỗi đời tên họ là gì, đều biết rành rẽ.
Đến nửa đêm, Ngài chứng được Thiên-nhãn-minh, thấy rõ ba cõi sáu đường, những cảnh giới hoặc an vui, hoặc nhơ khổ, chúng-sanh hoặc xinh đẹp, hoặc xấu xa, rõ ràng như nhìn vào trong gương.
Và đến lúc sao mai mọc lên, Ngài chứng được Lậu-tận-minh, dứt sạch phiền não, rõ hết đầu mối nghiệp duyên, tâm thể lặng yên sáng suốt. Bấy giờ ngài đã thành Phật.
Nội dung của sự giác ngộ chân chánh nầy, có thể giải đáp vấn đề nhân sanh một cách mỹ mãn. Trước kia Ngài thắc mắc về hai yếu điểm:
1. Già, bệnh, chết và tất cả sự ràng buộc khổ não của kiếp người do đâu mà có?
2. Làm thế nào để giải thoát những điều ấy?
Và đây là lời giải đáp:
1. Do Vô-minh làm mê mờ bản thể, nên mới có sanh, già, bệnh, chết, lo thương buồn rầu.
2. Muốn được giải thoát phải có chánh kiến dứt trừ phiền não, trở về bản tánh, tức là phải tu theo con đường Bát-chánh.
Đây là đạo lý căn bản của Phật-giáo Nguyên-thủy, khái quát cả pháp môn Tứ-diệu-đế và Thập-nhị-nhân-duyên.
Thái-tử Tất-Đạt-Đa thành đạo vào lúc 35 tuổi (có thuyết nói 30 tuổi), thánh hiệu là Thích-Ca-Mâu-Ni Như-Lai (Sàkyamuni - Năng-Nhân-Tịch-Mặc).
(Phật-Học-Đại-Cương)
7. CHUYỂN PHÁP LUÂN
Bấy giờ Ðức Thế-Tôn bảo năm người rằng: “Các ông chớ nên xưng Như-Lai là Trưởng-lão mà phải gọi là Phật, vì Như-Lai đã được Nhất-thiết-trí, đã chứng pháp cam lồ, đã dứt hết nghiệp hữu lậu, đã vắng lặng tự tại. Hãy đến đây, ta sẽ nói phương pháp tu hành, khiến cho các ông hiện đời được trí huệ sáng suốt, dứt hết phiền não, thành tựu phạm hạnh và không còn thọ thân hậu-hữu. Năm người nghe nói đều sanh lòng vui mừng, chiêm ngưỡng tôn nhan, lặng yên trông chờ diệu pháp.
(Kinh Phương-Quảng-Đại-Trang-Nghiêm)
Đức Phật nói tiếp: “Người xuất-gia có hai thứ chướng: Một là đắm theo dục cảnh không cố gắng thoát ly, đó là không phải là nhân giải thoát. Hai là không chịu suy nghĩ chín chắn, tự làm khổ thân mình để cầu thoát ly, đó cũng không phải là nhân giải thoát. Phải lìa hai lỗi thái quá, giữ theo mực trung mà tinh cần tu tập, mới có thể đến Niết-bàn”. Kế đó Phật lại ba lần chuyển pháp-luân Tứ-Đế (thị-chuyển, khuyến-chuyển, chứng-chuyển). Bọn ông Kiều-Trần-Như năm người đều chứng quả A-la-hán, tám muôn na-do-tha chư Thiên ở trên không nghe pháp mầu, đều được pháp nhãn tịnh.
Lúc ấy năm người đã thấy đạo tích, liền đảnh lễ nơi chân Phật mà thưa rằng: “Bạch Thế-Tôn! Hôm nay chúng con muốn xuất-gia tu hành ở trong Phật-pháp”. Đức Phật bảo: “Thiện lai Tỷ-khưu!” Liền đó, râu tóc năm người đều tự rụng, y phục nơi thân hóa thành áo cà sa. Bấy giờ thế gian mới có Tam-bảo: Đức Phật là Phật-bảo, pháp-luân Tứ-đế là Pháp-bảo, năm vị A-la-hán là Tăng bảo.
(Kinh Quá-Khứ-Hiện-Tại-Nhân-Quả)
Chuyển pháp-luân là thế nào? Chữ “Pháp” nguyên ngữ là Đạt-ma (Dharma), có nghĩa: pháp luật, pháp tắc, là chân lý căn bản của muôn sự muôn vật. Chữ “Luân” nguyên ngữ là Chước-ca-la (Cakra), là môn vũ khí hình như bánh xe của Luân-vương dùng khi dẹp giặc. Khi bậc Luân-vương có oai đức lớn ra đời, thì trên hư không có bánh xe ấy xuất hiện; vua dùng bánh xe nầy đem quân binh bay đi đánh chỗ nào, giặc nơi ấy đều tan rã. Vì thế, cổ thuyết Ấn-Độ thường gọi vị vua lớn chinh phục bốn phương là Chuyển-pháp-luân-vương. Giáo pháp của Đức Phật nói ra có thể phá tan điều ác cùng tà thuyết của ngoại-đạo, nay đem ví giáo pháp ấy như bánh xe của Luân-vương, nên khi Phật thuyết pháp gọi là Chuyển pháp-luân.
(Phật-Học-Đại-Cương)
Đức Phật bảo:
- Các đấng Như-Lai nói ra điều chi, đều gọi là chuyển pháp-luân. Nầy Thiện-nam-tử! Ví như luân-bảo của thánh-vương có công dụng: những kẻ chưa hàng phục, đều có thể hàng phục; những kẻ đã hàng phục, hay khiến cho được an ổn. Pháp của chư Phật nói cũng như thế, vô lượng phiền não chưa điều phục, đều có thể điều phục; đã điều phục, hay khiến cho sanh căn lành.
Nầy Thiện-nam-tử! Ví như luân bảo của thánh-vương hay tiêu diệt tất cả oán tặc; Như-Lai thuyết pháp cũng lại như thế, hay khiến cho các mối giặc phiền não thảy đều lặng yên.
Lại nầy Thiện-nam-tử! Ví như luân bảo của thánh-vương có thể xoay vần, lên xuống; Như-Lai thuyết pháp cũng lại như thế, hay khiến cho những chúng-sanh ở các cõi dưới sanh lên nẻo nhơn thiên, cho đến khi thành Phật đạo.
(Kinh Đại-Bát-Nhã-Niết-Bàn)
Khi ấy, Thắng-Nghĩa-Sanh Bồ-Tát thưa:
- Bạch Thế-Tôn! Ban sơ nơi Lộc-dã-uyển, Ngài chỉ vì hạng người xu hướng về Thanh-Văn-thừa mà chuyển pháp-luân Tứ-đế. Pháp-luân nầy tuy kỳ đặc ít có, song cũng chưa liễu nghĩa, bởi còn có pháp khác cao thượng, bao quát hơn. Đó là chỗ mà các nguồn tranh luận có thể len lỏi vào.
Trong kỳ thuyết pháp thứ hai, Thế-Tôn vì hạng người phát tâm Đại-thừa, nói tất cả pháp đều không tự tính, không sanh diệt, bản lai là Tự-tính-niết-bàn vắng lặng. Lối chuyển pháp-luân bằng tướng ẩn mật nầy tuy rất kỳ đặc ít có, song cũng chưa liễu nghĩa, bởi còn có pháp khác cao thượng, bao quát hơn. Đó là chỗ mà các nguồn tranh luận có thể len lỏi vào.
Hôm nay, trong kỳ thuyết pháp thứ ba, Ngài vì hạng người cầu Nhất-thiết-thừa, nói tất cả pháp đều không sanh diệt, bản lai là thể Tự-tánh-niết-bàn-vô-tự-tánh vắng lặng. Lối chuyển pháp-luân bằng tướng hiển liễu nầy, thật kỳ đặc ít có bậc nhất, vì là pháp chân liễu nghĩa, không còn chi cao thượng bao quát hơn. Các nguồn tranh luận cũng không còn chỗ nào len lỏi vào được.
(Kinh Giải-Thâm-mật)
8. NHẬP NIẾT BÀN
Khi nghe Ðức Thế-Tôn bảo rằng mình sắp nhập diệt, Diệu-Tràng Bồ-Tát khởi lòng nghi: “Có hai nhân duyên được sống lâu: không giết hại và bố thí các thức ăn cho chúng-sanh. Ðức Thích-Ca Thế-Tôn đã tu Thập-thiện trong vô lượng kiếp, tại sao Ngài chỉ sống có tám mươi tuổi?”
Trong khi Bồ-Tát nghĩ như thế, do oai thần của Phật, tịnh thất ấy bỗng hiện ra rộng rãi trang nghiêm như cõi Tịnh-độ. Trên hư không, phương đông có Phật Bất-Động, phương nam có Phật Bảo-Tướng, phương tây có Phật Vô-Lượng-Thọ, phương bắc có Phật Thiên-Cổ-Âm, ngồi nơi tòa diệu liên hoa, đồng thuyết kệ rằng:
Có thể biết điểm giọt
Của tất cả biển lớn
Không ai đếm biết được
Thọ lượng của Thích-Ca.
...Có thể biết số bụi
Của tất cả đại địa
Không ai đếm biết được
Thọ lượng của Thích-Ca.
Bốn đức Thế-Tôn lại bảo:
- Nầy Thiện-nam-tử! Chúng-sanh ở cõi Ta-Bà căn lành kém mỏng, có nhiều sở chấp: nhân, ngã, đoạn, thường... Vì muốn cho họ được lợi ích, mau sanh chánh giải, nên Phật Thích-Ca-Mâu-Ni thị hiện thọ mạng ngắn ngủi. Thiện-nam-tử! Đức Như-Lai đây muốn cho chúng-sanh thấy Phật vào Niết-bàn, sanh lòng thương lo mến tiếc, nghĩ rằng khó còn được gặp, mà đối với chánh-pháp phát tâm siêng năng đọc tụng thọ trì, vì người giảng giải, không còn hủy báng, nên Ngài thị hiện thọ mạng ngắn ngủi. Tại sao thế? Nếu chúng-sanh thấy Như-Lai không vào Niết-bàn, tất không sanh lòng cung kính, không sanh niệm khó gặp, không siêng năng đọc tụng thọ trì vì người giảng giải; vì lẽ hằng thấy Phật nên ỷ lại xem thường. Ví như hoa Ưu-đàm được người quí trọng vì lâu năm mới nở một lần, nhân duyên sớm nhập diệt của Ðức Thích-Ca Như-Lai, ý nghĩa cũng như thế.
(Kinh Kim-Quang-Minh)
Một hôm, Ðức Thế-Tôn cùng thị-giả A-Nan-Đà ở ngôi giảng đường tại thành Ba-Tra-Lỵ-Phất (Hoa-Thị-thành). Sau khi đi khất thực trở về dùng ngọ trai xong, Đức Phật đến ngồi nơi cội cây Cung-chế-để, rồi gọi A-Nan-Đà mà bảo rằng: “A-Nan! Thành nầy vật sản hoa lệ, cây cối tốt tươi, ao suối trong mát, hiện tại tuy đơn sơ, nhưng tương lai tất sẽ hưng thạnh. Đây là một kỳ cảnh của châu Nam-Thiệm-Bộ. Nầy A-Nan! Nếu kẻ nào chứng pháp Tứ-thần-túc, có thể tùy ý trụ thọ một kiếp cho đến nhiều kiếp. Như-Lai đã chứng pháp Tứ-thần-túc, nên muốn sống lâu một kiếp hay nhiều kiếp, đều được tự tại”. Phật nói như thế ba lần, song ngài A-Nan vẫn làm thinh.
Lúc ấy, Thiên-ma Ba-Tuần đến đảnh lễ Phật và thưa rằng: “Bạch Thế-Tôn! Thời gian trước Ngài đã nói: khi nào trong hàng môn đệ có nhiều kẻ thông biện đủ khả năng tuyên dương chánh-pháp dẹp phá tà luận thì Ngài sẽ vào Niết-bàn. Hiện thời những điều kiện ấy đã có đủ, xin Ðức Thế-Tôn nên sớm nhập diệt”. Đức Phật bảo: “Ngươi hãy gắng chờ ít lâu, ba tháng sau Như-Lai sẽ vào cảnh Vô-dư-y-đại-niết-bàn”. Thiên-ma Ba-Tuần nghe Phật hứa nhận, sanh lòng vui mừng, liền ẩn thân trở về thiên giới. Sau khi nói lời ấy, Ðức Thế-Tôn liền nhập định, thâu ngắn thọ mạng trong vô lượng kiếp chỉ còn lại ba tháng. Lúc đó, đất đai chấn động, tinh quang rơi rớt khắp bốn phương, thiên cổ trên hư không tự nhiên kêu lên vang động. Ðức Thế-Tôn xuất định, nói bài kệ rằng:
Tất cả pháp sai biệt
Như-Lai đã diệt trừ
Do đó được định tâm
Như chim bay tự tại.
Sau khi ấy, Đức Phật cùng đồ chúng vượt qua sông Hằng, vào thành Tỳ-Xá-Ly. Nơi đây, nàng kỹ nữ Yêm-Ma-La dâng cúng khu vườn Nại-Thọ-lâm và được Phật hóa độ. Bấy giờ đã đến mùa mưa, Ðức Thế-Tôn muốn an-cư ba tháng ở Trúc-Lâm-thôn (Veluvana), một vùng phụ cận của đô thành. Nhưng gặp năm mất mùa, e sự cúng dường không được đầy đủ, Phật liền giải tán đại chúng, rồi riêng mình ở tại đó với thị-giả A-Nan. Trong thời gian tạm trú nơi đây, ngài A-Nan thấy kim thể không an, biết Phật sắp vào Niết-bàn, liền thưa thỉnh cách thức y chỉ về sau. Đức Phật bảo: “Ông nên lấy chính mình làm nơi quy-y, lấy pháp làm nơi quy-y, đừng nương theo ai khác bên ngoài. Hãy tự xét, xem mình tinh tấn hay giải đãi, dứt trừ sự tham nhiễm lo buồn theo thế gian. Hãy quán thân, thọ, tâm, pháp, thấu triệt lý bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã, để đối trị bệnh chấp tịnh, lạc, thường, ngã, theo quan niệm chúng-sanh. Đây là chân lý tự quán của ta khi thành chánh giác và cũng là căn bản quy-y của người học đạo”.
Mãn ba tháng hạ, Ðức Thế-Tôn đến ở Trùng-Các-giảng-đường tại bản xứ. Ngài bảo các đệ-tử: “Những giáo pháp ta đã nói khi trước như: Tứ-niệm-trụ, Tứ-chánh-cần, Tứ-thần-túc, Ngũ-căn, Ngũ-lực, Thất-giác-chi, Bát-thánh-đạo, các ông nên thường suy nghĩ tu tập, chớ nên biếng trễ. Các ông phải gắng tu tịnh hạnh, giữ gìn cấm giới để làm phước lợi cho thế gian”. Rồi từ đó, Đức Phật lại đi về phía Bắc, qua thôn Lộ-Càn-Trà (Bhandagama). Tại nơi đây, Ngài lại khuyên đồ chúng: “Các ông nên biết, nếu người tu không thông đạt bốn pháp, sẽ hằng bị đọa vào nẻo luân-hồi. Bốn pháp ấy là gì? Chính là giới, định, huệ và giải thoát”. Từ thôn Lộ-Càn-Trà, Ðức Thế-Tôn đi vào xứ Ba-Bà (Pàvà). Ở chốn nầy, Ngài thọ thức ăn nấu bằng nấm chiên đàn của người thợ bạc tên là Thuần-Đà (Cunda), rồi đi sang thành Câu-Thi-Na-Yết-La đến chỗ hai đôi cây Sa-la bên mé sông Hi-Liên-Nhã-Bạt-Để (Kim-hà).
Đêm ấy, có người ngoại-đạo là Tu-Bạt-Đà-La (Subhadra) đi đến chỗ Ðức Thế-Tôn, nghe thuyết pháp và chứng thánh-quả. Đây là vị đệ-tử sau rốt của Phật. Ðức Thế-Tôn gọi A-Nan và bảo: “Thuở xưa ta làm Chuyển-luân-vương, đã xả thân sáu lần nơi đây, cho nên nay Như-Lai cũng nhập Niết-bàn tại chỗ nầy”. Ngài lại bảo đồ chúng: “Các ông đối với Phật, Pháp, Tăng bảo và Tứ-thánh-đế có điều gì nghi thì nên hỏi, ta sẽ giải đáp cho”. Trong đại chúng vì không nghi vấn nên không ai hỏi.
Bấy giờ Ðức Thế-Tôn do lòng đại bi, tự cởi áo trên bày kim-thân ra, và nói: “Nầy Tỷ-khưu! Các ông nên nhìn kỹ thân tướng của Như-Lai, vì chư Phật cũng như hoa Ưu-đàm-bát-la rất khó gặp gỡ”. Khi sắp nhập diệt, Đức Phật còn bảo: “Các ông chớ cho rằng mình sẽ mất thầy giảng dạy. Sau khi ta nhập Niết-bàn, những Pháp (Dharma) và Luật (Vinaya) của ta đã nói là thầy của các ông. Các pháp đều vô thường, có sanh tất có diệt; các ông hãy tinh tấn chớ nên biếng trễ. Đây là lời khuyên dạy sau rốt của ta”.
Khi nói xong lời ấy, Ðức Thế-Tôn nhập Tam-muội theo thứ lớp chín lần thuận, chín lần nghịch, từ Sơ-thiền đến Diệt-tận-định; rồi từ Sơ-thiền ra, Phật vào Nhị-thiền, Tam-thiền, Tứ-thiền, và niết-bàn ở nơi đó. Lúc ấy, vào khoảng giữa đêm Rằm tháng hai, Ngài được tám mươi tuổi.
(Đối chiếu các kinh: Đại-Niết-Bàn, Du-Hành, Trường-A-Hàm)
Nam mô Hoa-Tạng Giáo-Chủ Tỳ-Lô-Giá-Na Phật
Biến Pháp-giới Tam-Bảo
LỜI NÓI ÐẦU
CỦA DỊCH GIẢ
Khảo cứu theo truyền sử trong đại-tạng, khi thành đạo Vô-thượng Chánh-giác, chưa vội rời đạo-tràng Bồ-Ðề, đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật với pháp-thân Tỳ-Lô-Giá-Na, cùng chư đại Bồ-Tát chứng giải-thoát-môn, tuyên thuyết Kinh Hoa-Nghiêm.
Sau khi đức Phật nhập diệt lối sáu trăm năm, do Long-Thọ Bồ-Tát, Kinh Hoa-Nghiêm này mới được lưu truyền bằng phạn-văn. Toàn bộ Kinh chữ Phạn có một trăm ngàn bài kệ, chia làm bốn mươi tám phẩm.
Ðến nhà Ðường, Ðại-Sư Thật-Xoa-Nan-Ðà từ nước Vu-Ðiền mang bổn Kinh chữ Phạn này sang Trung-Quốc dịch ra Hán văn. Nhưng Ðại-Sư chỉ dịch ra được ba mươi chín phẩm, từ phẩm 'Thế-Chủ Diệu-Nghiêm' đến phẩm 'Nhập-Pháp-Giới', cộng có ba mươi sáu ngàn bài kệ theo Phạn-văn, còn lại chín phẩm sáu mươi bốn ngàn bài kệ Phạn-văn chưa được dịch ra Hán-văn.
Kế đó, Pháp-Sư Bác-Nhã, người Kế-Tân dịch thêm phẩm Phổ-Hiền-Hạnh-Nguyện ra Hán-văn, thành phẩm thứ bốn mươi của bộ Kinh Hoa-Nghiêm này.
Nguyên bổn chữ Hán chia ra làm tám mươi mốt quyển. Vì xét thấy chia quyển ra như thế, có nhiều phẩm bị cắt ra làm hai ba quyển hoặc nhiều hơn, thành thử mạch văn bị gián đoạn, nên khi phiên dịch ra Việt-văn, tôi chỉ lấy phẩm mà không theo quyển của bổn chữ Hán. Tuy nhiên, tôi vẫn chia số quyển của bổn chữ Hán trong bổn Việt-văn này, để tiện sự so cứu cho người đọc.
Kinh này gọi đủ là 'Ðại-Phương-Quảng Phật Hoa-Nghiêm', ta quen gọi là Kinh Hoa-Nghiêm.
Nội dung của Kinh này đứng trên cảnh-giới bất-tư-nghì giải-thoát, chư pháp-thân Ðại-Sĩ thừa oai thần của đức Phật tuyên dương công-đức cùng cảnh-giới của chư Phật và xương minh nhơn hạnh xứng tánh bất-tư-nghì của chư đại Bồ-Tát.
Kinh Hoa-Nghiêm này đã hoàn toàn ở trong lãnh vực xứng tánh bất-tư-nghì giải-thoát mà xương minh, nên mỗi lời mỗi câu trong Kinh này đều lấy toàn thể pháp-giới tánh làm lượng. Ðã là toàn thể pháp-giới tánh nên tất cả Giáo, Lý, Hạnh, Quả nơi đây đều dung thông vô-ngại, nên cũng gọi là vô-ngại pháp-giới.
Từng bực cứu cánh của vô-ngại pháp-giới là Sự-sự vô-ngại pháp-giới, chỗ chứng nhập hoàn toàn của chư Phật mà chư pháp-thân Bồ-Tát thời được từng phần.
Muốn hiểu thấu phần nào cảnh-giới trên đây, người học đạo cần phải biết rõ bốn pháp-giới, bốn cấp bực mà chư đại-thừa Bồ-Tát tuần tự tu chứng :
1. Lý vô-ngại pháp-giới
2. Sự vô-ngại pháp-giới
3. Lý sự vô-ngại pháp-giới
4. Sự-sự vô-ngại pháp-giới
'Lý' tức là chơn-lý thật-tánh, là thể tánh chơn thật của tất cả pháp, nên cũng gọi là pháp-tánh hay pháp-giới-tánh, chơn-như-tánh. Tất cả pháp trong vũ trụ đều đồng một thể tánh chơn thật ấy. Thể-tánh ấy dung thông vô-ngại, nên gọi là 'Lý vô-ngại pháp-giới'. Người chứng được lý vô-ngại này chính là bực thành-tựu căn-bổn-trí, mà bắt đầu dự vào hàng pháp-thân Bồ-Tát.
Tất cả pháp 'Sự' đều đồng một thể-tánh chơn-thật, tức là đồng lấy pháp-tánh làm tự thể. Toàn-thể 'Sự' là pháp-tánh, mà pháp-tánh đã viên-dung vô-ngại, thời toàn sự cũng vô-ngại, nên gọi là 'Sự vô-ngại pháp-giới'. Người chứng được pháp-giới này chính là bực pháp-thân Bồ-Tát thành-tựu sai-biệt-trí (cũng gọi là quyền-trí, tục-trí, hậu-đắc-trí).
Lý là thể-tánh của 'Sự' (tất cả pháp), 'Sự' là hiện-tượng của 'Lý-tánh'. Vậy thời lý-tánh tức là lý-tánh của sự, còn sự lại là sự-tướng của lý-tánh. Chính Lý-tánh là toàn-sự, mà tất cả sự là toàn Lý-tánh, nên gọi là 'Lý-sự vô-ngại pháp-giới'. Người chứng được lý-sự pháp-giới này thời là bậc pháp-thân Bồ-Tát đồng thời hiển phát cả hai trí (căn-bổn-trí và sai-biệt-trí).
Tất cả sự đã toàn đồng một thể-tánh mà thể-tánh thời dung thông không phân chia riêng khác, nên bất luận là một sự nào cũng đều dung nhiếp tất cả sự, và cũng đều tức là tất cả sự, một sự nhiếp và tức tất cả sự, tất cả sự nhiếp và tức một sự. Thế là sự-sự vô-ngại tự-tại, nên gọi là 'Sự-sự vô-ngại pháp-giới'. Người chứng được Sự-sự pháp-giới này là bực pháp-thân Bồ-Tát thành-tựu nhứt-thiết chủng-trí. Viên-mãn trí này chính là Ðấng Vô-Thượng-Giác (Phật Thế-Tôn ).
Sự-sự vô-ngại pháp-giới dung thông tự-tại, nội dung của toàn bộ Kinh Hoa-Nghiêm, được chứng minh trên toàn thể văn Kinh này. Nay xin lược dẫn một vài đoạn văn rõ nhứt để chư học-giả tiện tham cứu :
Sự-sự là tất cả sự hoặc là tất cả pháp, tức là toàn thể không-gian và thời-gian.
Về không-gian dung thông vô-ngại văn Kinh nói :
Bao nhiêu vi-trần trong thế-giới
Trong mỗi vi-trần thấy các cõi
Bửu quang hiện Phật vô lượng số
Cảnh-giới tự-tại của Như-Lai
…
Vô-lượng vô-số núi Tu-Di
Ðều đem để vào một sợi lông,
Một thế-giới để vào tất cả
Tất cả thế-giới để vào một,
Thể tướng thế-giới vẫn như cũ
Vô-đẳng vô-lượng đều cùng khắp.
…
Trong một chân lông đều thấy rõ
Vô-số vô-lượng chư Như-Lai
Tất cả chân lông đều thế cả
Tôi nay kính lạy tất cả Phật
…
Về thời-gian dung-thông vô-ngại văn Kinh nói :
Kiếp quá-khứ để hiện, vị-lai,
Kiếp vị-lai để quá, hiện-tại,
Ba đời nhiều kiếp là một niệm
Chẳng phải dài vắn : hạnh giải-thoát.
…
Tôi hay thâm nhập đời vị-lai
Tất cả kiếp thâu làm một niệm,
Hết thảy những kiếp trong ba đời
Làm khoảng một niệm tôi đều nhập.
…
Về không-gian và thời-gian dung thông vô-ngại nhau, văn Kinh nói :
Khắp hết mười phương các cõi nước
Mỗi đầu lông đủ có ba đời
Phật cùng quốc-độ số vô-lượng
Tôi khắp tu hành trải trần kiếp.
Trong một niệm tôi thấy ba đời
Tất cả các đấng Nhơn-Sư-Tử
Cũng thường vào trong cảnh-giới Phật
Như-huyễn, giải-thoát và oai-lực.
…
Tất cả sự không ngoài thời-gian và không-gian. Thời-gian dung thông thời-gian, không-gian dung thông không-gian, thời-gian dung thông không-gian, không-gian dung thông thời-gian. Một không-gian dung thông tất cả không-gian, một thời-gian dung thông tất cả thời-gian, tất cả dung thông với một, thời-gian với không-gian, một cùng tất cả cũng đều dung thông như vậy. Ðây chính là Sự-sự vô-ngại pháp-giới, mà cũng chính là cảnh-giới giải-thoát bất-tư-nghì mà Kinh Hoa-Nghiêm này lấy đó làm nội-dung như đã nói ở trên.
…
Lược giải một vài điều, để giúp phần nào cho học-giả khi cần thấy phải thấu triệt nội-dung của Kinh này. Vị nào muốn nghiên cứu đầy đủ xin xem bộ Hoa-Nghiêm đại-sớ của Tổ Thanh-Lương và Thập-huyền-môn của Tổ Hiền Thủ.
Tôi thành kính đem công-đức phiên dịch Việt-văn này hồi hướng cho tất cả chúng-sanh đồng về Tịnh-Ðộ, đồng sớm thành Phật.
Viết tại chùa Vạn Ðức
Thủ Ðức ngày Phật nhập Niết-Bàn
Rằm tháng Hai 2508
Dịch-Giả
HÂN TỊNH TỲ KHEO
Thích-Trí-Tịnh
ÐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
HOA NGHIÊM KINH
81 QUYỂN
80 QUYỂN chia làm bốn phần, gọi là TÍN, GIẢI, HÀNH, CHỨNG.
1 QUYỂN PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN, HỒI HƯỚNG VÃNG SANH CỰC LẠC THẾ GIỚI, ĐỂ MAU VIÊN MÃN PHẬT QUẢ.
11 QUYỂN đầu tiên là vì chúng sanh khai phát cửa TÍN.
PHẨM THẾ CHỦ DIỆU NGHIÊM
THỨ NHẤT
PHẨM PHỔ HIỀN TAM MUỘI
THỨ BA
PHẨM THẾ GIỚI THÀNH TỰU
THỨ TƯ
PHẨM HOA TẠNG THẾ GIỚI
THỨ NĂM
PHẨM TỲ LÔ GIÁ NA
THỨ SÁU
41 QUYỂN kế là vì chúng sanh khai phát cửa GIẢI.
PHẨM NHƯ LAI DANH HIỆU
THỨ BẢY
PHẨM TỨ THÁNH ÐẾ
THỨ TÁM
PHẨM QUANG MINH GIÁC
THỨ CHÍN
PHẨM BỒ TÁT VẤN MINH
THỨ MƯỜI
7 QUYỂN kế tiếp là vì chúng sanh khai phát cửa HÀNH.
21 QUYỂN sau là vì chúng sanh khai phát cửa CHỨNG.
Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung
Trừ hết tất cả các chướng ngại
Tận mặt gặp Phật A Di Đà
Liền được vãng sanh cõi Cực Lạc
Tôi đã vãng sanh cõi kia rồi
Hiện tiền thành tựu nguyện lớn này
Cả thảy tròn đủ không thừa thiếu
Lợi lạc khắp tất cả chúng sinh
Chúng hội Di Đà đều thanh tịnh
Tôi từ hoa sen nở sanh ra
Thân thấy đức Phật Vô Lượng Quang
Liền thọ ký tôi đạo bồ đề
Nhờ đức Phật kia thọ ký rồi
Tôi hóa vô số vạn ức thân
Trí huệ rộng lớn khắp mười phương
Khắp lợi tất cả chúng sinh giới.
Hạnh Phổ Hiền thù thắng của tôi
Phước lớn vô biên đều hồi hướng
Khắp nguyện chúng sinh đang chìm đắm
Mau sanh cõi Phật Vô Lượng Quang.
NAM MÔ ÐẠI HẠNH PHỔ HIỀN BỒ TÁT MA HA TÁT
Comments
Post a Comment